Chúng tôi đến thăm cựu chiến binh Đinh Trường Sơn (70 tuổi) tại nhà riêng ở tổ dân phố 9, phường Pom Hán (thành phố Lào Cai). Khi nói về cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông say sưa kể từng trận đánh ông tham gia.
Tháng 12/1971, chàng trai Đinh Trường Sơn, quê ở Nho Quan, Ninh Bình khi ấy mới 17 tuổi đã hăng hái viết đơn tình nguyện, xung phong vào miền Nam chiến đấu. Đối với ông, được đứng trong hàng ngũ quân đội nhân dân và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là ước mơ ngay từ khi còn nhỏ. Ông hăng say tập luyện, sau đó lên đường vào Nam, tham gia Chiến dịch Mùa hè đỏ lửa năm 1972 chiến đấu tại Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng, nước bạn Lào. Rồi ông trở về Việt Nam, là lính bộ binh thuộc Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân đoàn 3, tham gia Chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột, sau đó hợp lực với các quân đoàn khác tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong ký ức của ông Sơn, đáng nhớ nhất là cuộc hành quân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975. Mũi tấn công của đơn vị ông theo hướng Tây Bắc, có nhiệm vụ chặn đánh Sư đoàn 25 của Việt Nam Cộng hòa tại Trảng Bàng (Tây Ninh). Trận đánh tại Trảng Bàng diễn ra quyết liệt. Trung đội trưởng hy sinh, ông Sơn từ Tiểu đội trưởng được tin tưởng giao nhiệm vụ Trung đội trưởng thay thế. Nhận trọng trách nặng nề nhưng đây cũng là niềm vinh dự, ông Sơn sốc lại tinh thần đồng đội với khí thế, quyết tâm cao nhất.
Ông Sơn tâm sự: Khó khăn nhất khi tấn công vào sở chỉ huy của địch khi chúng bố trí trận địa pháo dày đặc. Án ngữ để bảo vệ ngay trước căn cứ của địch có một lô cốt. Một đồng đội xung phong bắn hạ nhưng đã anh dũng hy sinh…
Nhắc đến đây, ông Sơn rưng rưng. Chiến trường khốc liệt chẳng có thời gian mà đau buồn, ông kìm nén trong lòng, quan sát nhanh địa thế, chợt phát hiện ra vị trí khai hỏa thuận lợi. Ông cùng một đồng đội cầm súng B40 yểm trợ để phá lô cốt. Ông may mắn khi tiếp cận được mục tiêu nhưng người đồng đội bị bắn trọng thương, ông vác khẩu B40 nhắm chính xác mục tiêu, bắn tan được lô cốt.
Phá được chốt chặn quan trọng, các tiểu đội thừa thắng xông lên, hợp lực với những cánh quân khác, từng bước giành lợi thế và giải phóng toàn bộ Trảng Bàng, thu toàn bộ vũ khí trận địa pháo và bắt hàng trăm tên địch. Từ chiến thắng quan trọng tại Trảng Bàng đã chia cắt, không để Quân lực Việt Nam Cộng hòa điều các đơn vị ở Tây Bắc Sài Gòn lui về Đồng Dù, Củ Chi.
Nhắc đến Sư đoàn 10 bộ binh (còn gọi là Sư đoàn Đắk Tô) thuộc Quân đoàn 3 của quân đội ta là những chiến công hiển hách, đã dập tắt tuyến phòng thủ kiên cố của địch ở Núi Lửa – Đức Lập, phá vỡ tuyến phòng thủ phía Tây thị xã Buôn Ma Thuột của địch, tạo đà cho Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi hoàn toàn.
Ông Cư Seo Phần (dân tộc Mông, sinh năm 1952) ở tổ dân phố Nàng Cảng, thị trấn Si Ma Cai (huyện Si Ma Cai) là một trong số ít chiến sĩ dân tộc thiểu số tại Lào Cai được vinh dự đứng trong hàn g ngũ Sư đoàn 10 anh hùng. Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mũi chiến đấu của đơn vị ông được giao theo hướng Hóc Môn tấn công vào Bộ Tổng tham mưu Ngụy tại trung tâm Sài Gòn.
Mặc dù đã 72 tuổi nhưng ký ức về cuộc tiến công vào cơ quan đầu não của quân Ngụy chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí ông Phần. Ông say sưa kể trận chiến, đó là vào đêm 29/4, nhận lệnh hành quân, Sư đoàn 10 thần tốc lên đường, lợi dụng ban đêm địch có nhiều sơ hở để tấn công. Ông Phần mô tả: Cuộc hành quân giống như vua Quang Trung tiến ra Bắc chiến đấu chống quân Thanh xâm lược vậy.
Rạng sáng 30/4, đơn vị vượt qua nhiều cứ điểm, công sự đã áp sát được căn cứ chỉ huy của địch.
Cuộc chiến đấu diễn ra cam go, quyết liệt, cả một không gian rung chuyển trong tiếng súng liên thanh, pháo nổ ầm ầm từ các mũi tấn công. Đơn vị ông Phần từng bước thọc sâu vào Bộ Tổng tham mưu Ngụy, tại dinh lũy cuối cùng của địch, bộ binh, xe tăng của chúng ngoan cố chống cự. Các tiểu đoàn bộ binh, tăng thiết giáp của ta tấn công liên tục khiến địch hoang mang. “Trước sức mạnh tiến công tổng lực của ta, quân địch chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy. Các chiến sĩ liền tiến đánh vào tòa nhà nơi đặt trung tâm chỉ huy của quân Ngụy. Chúng giương cờ trắng đầu hàng, một số tàn quân chạy toán loạn”, ông Phần kể.
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4, nhận được tin cờ giải phóng quân ta đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập và Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, ông Phần và đồng đội hò reo, phấn khích tột độ. Cả tiểu đoàn của ông khi đi có 60 chiến sĩ nhưng chứng kiến thời khắc lịch sử chỉ còn một nửa. Ông Phần mừng rỡ, hét lên bầu trời: Đất nước giải phóng rồi! Mình được sống rồi!
Ông Đinh Trường Sơn trong thời khắc giải phóng lịch sử còn đang mải miết truy quét tàn dư của địch khi tháo chạy ra sân bay Tân Sơn Nhất. Mặc dù không được chứng kiến là cờ giải phóng tung bay nhưng thấy người dân hò reo, phấn khích, ông Sơn và đồng đội lại rộn ràng, vừa đuổi địch vừa cười rạng rỡ. Khép lại chiến thắng lịch sử, ông Sơn, ông Phần trở về quê hương, bắt đầu một hành trình mới.
Ông Sơn tiếp tục tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, tiếp quản Hoàng Liên Sơn khi ấy và Lào Cai sau này. Mảnh đất biên cương đã níu chân người lính kiên trung, dũng cảm, được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất ở lại. Ông lập gia đình, cống hiến một thời gian trong quân đội, chuyển sang công tác tại Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam, tham gia nhiều khóa làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh đơn vị. Sau đó, ông giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, giai đoạn 2010 – 2015 đến khi nghỉ hưu. Sau này, ông đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thành lập Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Lào Cai và đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội khóa đầu tiên.
Còn ông Cư Seo Phần, trở về quê hương, sau đó công tác tại Hội Cựu Chiến binh xã từ năm 1983 đến năm 2012 thì nghỉ hưu. Ông Phần có người bạn thân từ thuở chăn trâu cắt cỏ là cựu chiến binh Lù Cồ Lẻng ở tổ dân phố Na Cáng cũng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Ông Lẻng công tác tại Ban Công an xã 12 năm và Chủ tịch UBND xã Si Ma Cai 10 năm. Mang trong mình phẩm chất người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Lẻng và ông Phần đã góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển, tích cực tuyên truyền, vận động người dân khôi phục sản xuất, khai hoang đất đai, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, từng bước xây dựng xã Si Ma Cai trở thành trung tâm huyện lỵ Si Ma Cai và tiền đề cho thị trấn sau này…
Ký ức đã dần lùi xa nhưng vết thương còn đó, mỗi khi trái gió trở trời, cơn đau đầu lại đến, tưởng chừng thời gian như vô tận mà ông Sơn đã phải chịu đựng trong hơn nửa thế kỷ, khi những mảnh đạn vẫn còn sót lại trong đầu từ một lần bị địch tấn công bằng pháo cối ở chiến trường Buôn Ma Thuột. Nhưng đối với ông Sơn, ông không bận tâm điều đó, ông bộc bạch: Bởi vì tôi còn được sống trong hòa bình, trong khi biết bao đồng đội đã ngã xuống, chẳng còn có cơ hội được tận hưởng giây phút bình yên này.
Ông Sơn, ông Phần, ông Lẻng là những nhân chứng sống, những người đã đi qua những cuộc đấu gian khổ, chịu đựng những hy sinh và được sống trong khoảnh khắc lịch sử. Ký ức vẫn còn đó, còn khỏe còn đi được, các ông lại dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội, giúp người dân hiểu thêm về lịch sử, truyền cảm hứng để con cháu thêm yêu đất nước và trân trọng từng giây phút hòa bình, độc lập mà mình đang được hưởng.