Giá vàng đã tăng lên mức kỷ lục trong tuần này khiến nhiều nhà phân tích bối rối và các nhà giao dịch tự hỏi liệu đà tăng này có thể tiến xa đến đâu.
Những thỏi vàng được trưng bày tại Cục Khắc và In ấn Hoa Kỳ ở Washington, DC.
Dữ liệu kinh tế yếu của Mỹ và những lo lắng về ngân hàng đã giúp giá vàng tăng 5% trong bốn phiên giao dịch vừa qua. Đợt tăng mạnh trong hai phiên 5 và 6/3 đã đẩy giá vàng vượt qua các mức cao trước đó được thiết lập trong tháng 12/2023 và lập đỉnh mới 2.161,09 USD/ounce. Tuy nhiên, tốc độ và quy mô của động thái này khiến nhiều nhà quan sát thị trường mất cảnh giác, đặc biệt là khi không có bất kỳ thay đổi đáng kể nào về triển vọng thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Tình hình căng thẳng địa chính trị hiện nay đã hỗ trợ rất nhiều cho vàng. Và hiệu suất của vàng trong năm qua đã gây ngạc nhiên cho một số nhà quan sát thị trường kỳ cựu trước đợt tăng giá hiện nay, vì lạm phát vẫn ở mức cao bất chấp lãi suất tăng vọt.
Vàng thường có mối quan hệ ngược chiều với lợi suất trái phiếu, song kim loại quý này được hỗ trợ nhờ sức mua mạnh mẽ của ngân hàng trung ương và nhu cầu từ người tiêu dùng Trung Quốc.
Theo đó, đợt tăng giá gần đây của vàng chỉ là chớp nhoáng hay kim loại quý này chỉ mới bắt đầu? Dưới đây là các yếu tố cần xem xét:
Lợi suất thực
Động lực lớn nhất thúc đẩy giá vàng trong năm qua là dự đoán của thị trường về thời điểm Fed sẽ bắt đầu cắt giảm chi phí đi vay. Các thị trường dự đoán khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào khoảng 65% trong tháng 6/2024, so với mức 58% vào cuối tháng 2/2024.
Ngày 6/3, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhắc lại với các nhà lập pháp rằng Fed không vội cắt giảm lãi suất cho đến khi các nhà hoạch định chính sách tin rằng họ đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát.
Khi Fed thực sự cắt giảm lãi suất, nó sẽ làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng. Lợi suất thực của Mỹ đã giảm kể từ tháng 10/2023, nhưng đà tăng mạnh gần đây của vàng đã vượt xa những gì có thể mong đợi.
Các yếu tố mang tính kỹ thuật
Giá vàng đã đạt mức cao 2.152,25 USD/ounce trong phiên 6/3 và sang phiên 7/3 giao dịch ở đỉnh mới 2.161,09 USD/ounce.
United Oversea Bank Ltd. nhận thấy mức kháng cự đáng kể tiếp theo của vàng là 2.163 USD/ounce. Tuy nhiên, chuyên gia Rhona O’Connell, người đứng đầu bộ phận phân tích thị trường tại StoneX Financial Ltd., cho rằng vàng đã bị mua quá mức trên 2.115 USD/ounce. Bà cho biết các số liệu yếu kém của Mỹ vào cuối tuần trước đã kích hoạt các giao dịch theo “hiệu ứng đám đông”.
Trung Quốc mua vàng
Xuất khẩu của Thụy Sỹ sang Trung Quốc tăng gần gấp ba trong tháng 1/2024, trong bối cảnh người tiêu dùng tìm kiếm một biện pháp phòng ngừa trước tình trạng bất ổn trên thị trường chứng khoán và lĩnh vực bất động sản của nước này. Khi các ngân hàng lớn nhất nước này cắt giảm lãi suất tiền gửi, việc gửi tiền vào ngân hàng đã trở nên kém hấp dẫn hơn so với vàng.
Ngoài ra, Trung Quốc nằm trong số các ngân hàng trung ương mua vàng để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Trung Quốc là một trong những nước dự trữ vàng lớn nhất trong năm qua khi các quốc gia từ Ba Lan đến Singapore đa dạng hóa dự trữ tài chính bằng cách bổ sung thêm kim loại quý này.