Nhà viết tiểu sử lừng danh – Walter Isaacson nói rằng Steve Jobs mỗi năm đều đọc lại cuốn Tự truyện của một Yogi. Thật kỳ lạ khi Steve Jobs không trao tặng iPhone, iMac hay sản phẩm mới nhất trong thời điểm đó là iPad của công ty ông sáng lập và lãnh đạo cho những khách mời, mà lại là một cuốn sách.
Trước đó, trong nhà ông cũng thiếu vắng thiết bị công nghệ, thay vào đó là một tủ sách. Steve Jobs có quan điểm rằng công nghệ có thể bị thay thế song giá trị trường tồn mà sách đem lại thì không. Đối với Jobs, công nghệ là đại diện của trào lưu, còn sách là biểu tượng cho văn hoá. Vì thế, sau khi về nơi cực lạc, Jobs đã tặng lại cho những người bạn của mình giá trị vĩnh cửu của sách.
Steve Jobs – người đồng sáng lập Apple.
Ở Việt Nam, tặng sách đang trở thành văn hoá nở rộ ở nhiều lứa tuổi, thế hệ chứ không chỉ thuộc về các bạn trẻ. Hơn 10 năm trở lại đây, khi văn hoá đọc phát triển và phổ biến thì sách không chỉ là báu vật với những người mê đọc mà còn trở thành một món quà mang nhiều ý nghĩa tinh thần.
Trên những trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram và cả TikTok, rất nhiều người tìm đến các blogger, các cộng đồng để nhận được tư vấn về việc tặng sách cho bạn bè, người thân hay đồng nghiệp.
Có cả những bài viết, video với nội dung như “Top những cuốn sách hay dành tặng cho nhau”, “3 cuốn sách bạn phải tặng cho người quý mến nhất”… giúp cho người mua tìm được cuốn sách phù hợp nhất để dành tặng cho người mình trân trọng.
Ngày nay, một món quà đơn thuần như phụ kiện hay trang phục không nói hết được tấm lòng của nhiều người. Ngược lại, sách là đại diện cho tư duy, tinh thần và lòng mong mỏi muốn gửi đến nhau những điều tốt đẹp nhất.
Phát triển bản thân là một trong các từ khoá phổ biến nhất hiện nay, trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong bất kỳ độ tuổi, giới tính nào, từ người 20 tuổi cho tới 40, thậm chí là 60 tuổi. Và đọc sách chính là chìa khoá dẫn đến sự phát triển bản thân hiệu quả nhất.
Cuốn sách “Tự truyện của một Yogi”.
Thông qua sách, người tặng muốn gửi đến người nhận những gì giá trị và có ích nhất. Sách khác với đa số món quà khác, chỉ có thể chắt lọc từ tri thức của bản thân và thông qua một cộng đồng tích cực. Cộng đồng đọc sách được tạo ra từ mỗi cá nhân đam mê đọc. Mỗi độc giả lại tiềm ẩn nội lực và tư duy khác biệt. Điều này được thể hiện qua những tác phẩm họ đọc và dành tặng cho cộng đồng lớn hơn.
Như thế tặng sách không đơn thuần chỉ là giữa cá nhân với nhau, giữa người đọc và người chuẩn bị có thói quen đọc, mà tặng sách còn nuôi dưỡng và phát triển một cộng đồng văn minh. Ở Việt Nam văn hoá đọc sách đã có một chỗ đứng quan trọng, được chính phủ, truyền thông quan tâm và người dân hưởng ứng.
Sách được lựa chọn làm quà tặng.
Từ văn hóa đọc chúng ta phát triển thành văn hoá tặng sách. Tặng sách chính là cách thể hiện những gì bản thân mong muốn gửi gắm đến người khác hơn bất cứ thứ gì – mong muốn họ phát triển, tiến bộ và thành công trong thời đại mà tri thức chiếm vị trí quan trọng nhất
Mỗi cá nhân tặng người thân những cuốn sách giá trị nhất. Rồi những cuốn sách giá trị nhất này sẽ lan toả tới nhiều người khác. Nhiều người sẽ tạo ra các cộng đồng lớn mạnh và đem tới giá trị tích cực. Một xã hội có văn hoá đọc và tặng sách chính là một xã hội phát triển và tiến bộ.