Xác định quy hoạch là khâu quan trọng để công tác cán bộ đi vào nền nếp, có chất lượng, đồng thời đáp ứng nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cho nhiệm vụ trước mắt và các nhiệm kỳ tiếp theo, hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Bàn đều tổ chức rà soát, bổ sung, đưa vào quy hoạch những cán bộ có triển vọng, trong đó quan tâm, ưu tiên đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch cũng được huyện quan tâm. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã có 204 cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo về chuyên môn (thạc sỹ 29 người, đào tạo chuyên môn 183 người); 426 người được đào tạo về lý luận chính trị (cao cấp 18 người, trung cấp 272 người và sơ cấp 156 người); sắp xếp, kiện toàn hơn 200 lượt cán bộ chủ chốt, các chức danh cấp ủy đảng, chính quyền, các phòng, ban chuyên môn cấp huyện và cơ sở.
Ngoài ra, địa phương thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ hiện tại, nhiệm kỳ kế tiếp; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ trong quy hoạch đạt và vượt so với quy định.
Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ nên những năm gần đây, đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp huyện được trẻ hóa (có 12/69 đồng chí lãnh đạo, quản lý cấp huyện dưới 40 tuổi); 16/22 xã có bí thư đảng ủy không phải người địa phương (chiếm 72,72%), 20/22 xã có chủ tịch UBND xã không phải là người địa phương (chiếm 90,91%)…
Nguyên là Chánh Văn phòng Huyện ủy Văn Bàn, năm 2020, đồng chí Đặng Xuân Phương được điều động, chỉ định tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy xã Khánh Yên Hạ, sau đó được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã.
Đồng chí Đặng Xuân Phương tâm sự: Ngay sau khi được giao trọng trách mới, tôi đề xuất và tổ chức thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tổ chức của xã cho phù hợp gắn với tăng cường chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, thái độ phục vụ Nhân dân. Chủ động tham mưu xây dựng các đề án, kế hoạch chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển mô hình sản xuất mới để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương…
Đến nay, kết quả đạt được đó là các tiêu chí nông thôn mới nâng cao đã cơ bản đạt, phấn đấu cuối năm 2024 xã sẽ “về đích” nông thôn mới nâng cao. “Thời gian công tác ở cơ sở giúp tôi tích lũy, học hỏi rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo”, đồng chí Đặng Xuân Phương bộc bạch.
Không riêng đồng chí Đặng Xuân Phương, hầu hết cán bộ các phòng, ban của huyện Văn Bàn được luân chuyển về cơ sở đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách… kể từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay đã để lại những dấu ấn tốt đẹp đối với địa phương nơi công tác.
Đồng chí Nguyễn Văn Bàn, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Văn Bàn cho biết: Song hành với công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, huyện kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ, kịp thời thay thế những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, có sai phạm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã kỷ luật, sắp xếp lại 25 cán bộ, đảm bảo đúng quy định của Đảng.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Bàn, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ trẻ của Văn Bàn vẫn còn một số hạn chế, như: Nhận thức về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ trẻ ở một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị chưa đầy đủ; tính chủ động của một số cấp ủy đảng trong sàng lọc, thay thế những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp chưa quyết liệt; nhiều cán bộ, công chức, viên chức chưa bố trí đúng với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo; năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều; một số địa phương, đơn vị, công tác đánh giá cán bộ, đảng viên còn hạn chế; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy huyện không đạt theo mục tiêu (mới có 6 cán bộ nữ/40 người là cấp ủy cấp huyện, chiếm 15%).
Huyện ủy Văn Bàn luôn bám sát Nghị quyết số 26 ngày 7/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Thông qua điều động, luân chuyển đã khắc phục được tính chủ quan, tự thỏa mãn, trì trệ, xa rời thực tiễn của một số cán bộ, đặc biệt là tư tưởng cục bộ, dòng họ, nể nang của cán bộ cơ sở làm ảnh hưởng đến hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị của các địa phương.
“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, nhất quán tư tưởng, quan điểm ấy, thời gian tới, Huyện ủy Văn Bàn tiếp tục hoàn thiện các kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp với tình hình mới; thường xuyên coi trọng lãnh đạo thực hiện công tác cán bộ bảo đảm dân chủ, khách quan, minh bạch; gắn thực hiện luân chuyển cán bộ từ các phòng, ban cấp huyện về xã và ngược lại để đào tạo, rèn luyện theo cả chiều trên xuống – dưới lên, từ xã này sang xã khác, nhằm khắc phục triệt để tình trạng khép kín, cục bộ trong công tác cán bộ. Huyện cũng mạnh dạn bố trí, đề bạt, sử dụng cán bộ trẻ có năng lực, trình độ, có nhiệt huyết vào các vị trí chủ chốt cấp huyện và cơ sở, tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, trưởng thành.
Trình bày: Khánh Ly