Chiều 6/9, báo cáo tại Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đã ban hành 4 luật và 10 nghị quyết trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Các văn bản nói trên đã góp phần thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, tiếp tục hoàn thiện một bước cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch, thống kê, đấu thầu, kinh tế tập thể, môi trường đầu tư, kinh doanh; phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù ở một số địa phương nhằm tạo đột phá thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương được thí điểm.
Để tổ chức triển khai thi hành các luật và nghị quyết nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xây dựng 9 nghị định của Chính phủ, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 1 thông tư của Bộ trưởng. Cho đến nay, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 nghị định và 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6 nghị định và 1 thông tư của Bộ trưởng đang được Bộ khẩn trương triển khai để ban hành theo đúng tiến độ.
Đầu tư các công trình có sức lan tỏa cao, giải quyết các nút thắt của vùng
Về tình hình tổ chức triển khai Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện của Chính phủ.
Theo đó, đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 thành những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, có sự phân công cụ thể nhằm khơi thông nguồn lực, tháo gỡ các điểm nghẽn trong quá trình triển khai thực hiện.
Các giải pháp được cụ thể hóa nhấn mạnh: ưu tiên vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn mang tính liên vùng…; đầu tư các công trình có sức lan tỏa cao, giải quyết nhu cầu thiết yếu, các nút thắt của vùng, mang lại hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội cao cho toàn vùng…; xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng tăng cường phân cấp việc huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư ở Trung ương và địa phương; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các vùng động lực, phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 25/5/2023 về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh hoàn thành trong năm 2023 trên cơ sở bảo đảm chất lượng các quy hoạch.
Đối với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, khẩn trương tổ chức công bố, công khai quy hoạch theo quy định; xây dựng, trình ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch theo quy định; tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, thống nhất trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện định hướng quy hoạch và thực hiện chính sách liên quan để bảo đảm sự đồng bộ của các cấp quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
Tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Để triển khai Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng 5 nghị định và 1 thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật này.
Về tiến độ xây dựng các văn bản, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ, đối với Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực, thời gian dự kiến trình Chính phủ trong tháng 11/2023.
Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ được triển khai xây dựng ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 do phụ thuộc vào nội dung quy định tại Luật Đất đai (sửa đổi) – dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Hợp tác xã dự kiến trình Chính phủ trong tháng 3/2024. Trong khi đó, đối với Nghị định quy định về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và Thông tư hướng dẫn về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và về nội dung thông tin, việc cập nhật, khai thác và quản lý Hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã, thời gian dự kiến trình Chính phủ trong tháng 3/2024.
Triển khai Nghị quyết số 93/2023/QH15 của Quốc hội về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; đồng thời giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025. Đối với vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính giao dự toán, trên cơ sở đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình giao kế hoạch.
Việc giao vốn theo Nghị quyết của Quốc hội là căn cứ pháp lý cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2023 nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, an sinh xã hội.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án; tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra nhằm đạt mục tiêu giải ngân năm 2023 là 95% kế hoạch.