CTTĐT – Chiều 04/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, dưới sự chủ trì của các đồng chí Thường trực UBND tỉnh, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11 năm 2024.
Quang cảnh phiên họp
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế – xã hội tỉnh đạt được một số kết quả tích cực. Sản xuất nông, lâm nghiệp cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, cụ thể: năng suất lúa xuân đạt hơn 61 tạ/ha, sản lượng đạt 60.325 tấn; lúa mùa năng suất đạt 49,84 tạ/ha; cây ngô xuân đạt sản lượng 45.776 tấn, cây ngô vụ mùa đang thu hoạch với năng suất ước đạt 39,98 tạ/ha. Hiện ngành nông nghiệp đang đôn đốc bà con sản xuất vụ thu đông năm 2024 với diện tích 4.480 ha, trong đó 2/3 diện tích là rau, đậu các loại, số còn lại là ngô, khoai lang, khoai tây, hoa. Tình hình chăn nuôi phát triển ổn định, tổng đàn gia súc đạt kế hoạch, đàn gia cầm tăng hơn 2% so với cùng kỳ, sản lượng thủy sản bằng 77% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của bão lũ. Về xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 204 thôn kiểu mẫu.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục được duy trì, trong tháng 10, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 3.736 tỷ đồng, tính từ đầu năm đến nay đạt 36.753 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn ra sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10 ước đạt 3.750 tỷ đồng, tính từ đầu năm đạt 35.850 tỷ đồng; tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 10 đạt 258 triệu USD, từ đầu năm đến nay đạt 3.003 triệu USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2023.
Lãnh đạo các đại phương phát biểu tại phiên họp
Về du lịch, tiếp tục phát huy vai trò mũi nhọn, lượng du khách tới các điểm tham quan tăng cao, với tổng lượng khách từ đầu năm đến nay đạt 6,76 triệu lượt, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 22,37 nghìn tỷ đồng.
Giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt, tỉnh Lào Cai luôn nằm trong nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tính đến hết tháng 10/2024 đạt 8.298 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023; về tín dụng tổng nguồn vốn huy động tại địa bàn tỉnh đạt 49,8 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3 nghìn tỷ so với năm 2023; tổng dư nợ cho vay đạt 61 nghìn tỷ đồng trên toàn địa bàn tỉnh.
Công tác an sinh xã hội được quan tâm, đặc biệt là hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3; hoạt động giáo dục đạt nhiều thành tích nổi bật; công tác y tế tiếp tục được tập trung hoàn thiện hạ tầng tuyến tỉnh đến cơ sở. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đối ngoại được mở rộng.
Lãnh đạo các sở, ngành phát biểu tại phiên họp
Tại phiên họp các đại biểu tham gia phát biểu tập trung vào các nhóm nội dung về tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh năm 2024; tiến độ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, khả năng cân đối ngân sách địa phương các cấp; tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở do ảnh hưởng của bão số 3 (yagi) và xóa nhà tạm theo Nghị quyết 50-NQ/TU trên địa bàn tỉnh, các khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị;…
Theo đó, tại phiên họp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, kết quả thực hiện đến ngày 31/10/2024, qua rà soát chi tiết đến hộ trên địa bàn toàn tỉnh tổng số hộ cần hỗ trợ làm mới và sửa chữa để xoá nhà tạm, nhà dột nát là 9.988 nhà (làm mới 6.741 nhà, sửa chữa 3.247 nhà), tăng 1.761 nhà (so với Đề án đã duyệt toàn tỉnh có 8.227 nhà thuộc diện dột nát, xuống cấp).
Nguyên nhân tăng số liệu là do khi rà soát ban đầu để xây dựng Đề án một phần do cảm quan xác định hộ gia đình đã đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung – tường cứng, mái cứng) nên không đưa vào danh sách, một phần qua thời gian sử dụng đặc biệt qua ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ nên chất lượng nhà ở bị xuống cấp, hoặc do một số địa phương lo ngại không hoàn thành mục tiêu hỗ trợ xoá nhà tạm nên khi rà soát ban đầu đánh giá đã đạt tiêu chí và không đưa vào danh sách do vậy khi Tổ công tác rà soát lại phát sinh tăng.
Về nguồn lực thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát, tổng nhu cầu khi thực hiện Đề án của UBND tỉnh là 301.137 triệu đồng, sau khi có điều chỉnh mức hỗ trợ đối với mỗi hộ thì nhu cầu vốn tăng lên 337.606 triệu đồng. Hiện tổng kinh phí đã huy động để triển khai thực hiện đạt 373.806 triệu đồng. Với nguồn lực này, so với số nhà ở phát sinh cần hỗ trợ theo số liệu Tổ công tác và các huyện vừa rà soát bổ sung thì số kinh phí cần huy động tiếp để thực hiện là 56.422 triệu đồng.
Về cân đối nguồn lực hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà ở, tổng nhu cầu kinh phí khắc phục thiệt hại về nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh là 319.530 triệu đồng, trong đó nhà ở phải di dời khẩn cấp theo số liệu của địa phương đề nghị là 2.972 nhà, kinh phí 238,280 triệu đồng; nhu cầu làm mới và sửa chữa 1.223 nhà ở, tổng kinh phí 71.671 triệu đồng.
Về tiến độ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở, toàn tỉnh đến nay đã khởi công được 3.053 trong số 5.582 nhà theo kế hoạch năm 2024, đạt 54,6%KH. Đến ngày 31/10/2024, đã có 1.909/5.582 nhà hoàn thành, đạt 34,2%.
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận phiên họp.
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, tỉnh Lào Cai sẽ rà soát lại toàn bộ các công trình, dự án làm rõ trách nhiệm quản lý tài sản công, quản lý tài chính của các sở, ban, ngành, địa phương để tránh lãng phí. Nếu cấp nào để tài sản lãnh phí, thất thoát thì cấp đó phải chịu trách nhiệm.
Về các nhiệm vụ trong 02 tháng cuối năm, đồng chí yêu cầu các sở, nành, địa phương hết sức quyết liệt, tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm là: Thu ngân sách Nhà nước phải đảm bảo hoàn thành 12.800 tỷ đồng và giải ngân vốn đầu tư công trên 96%, với tinh thần “số liệu thật, nói thật, làm thật”, xuất phát từ thực tiễn. Người đứng đầu chính quyền các địa phương cần quyết đoán, linh hoạt trong điều hành kinh tế – xã hội theo tinh thần: “Đã nói là phải làm, đã hứa là phải giữ lời, đã kết luận là phải thực hiện”. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu mỗi địa phương cần đánh giá những cái đã làm được trong nhiệm kỳ. Đối với thu ngân sách, tăng nguồn thu nội địa, xác định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất; tăng cường quản lý về doanh thu cơ sở ăn uống, khai thác khoáng sản…
Về hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu đối với lĩnh vực nông nghiệp sẽ có phương án hỗ trợ 20 triệu/ ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Sớm có phương án giải quyết bãi đá tại xã Trịnh Tường; tu sửa các công trình thuỷ lợi hư hỏng theo hướng hỗ trợ người dân.
Đối với giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, cần làm rõ trách nhiệm đối với các dự án chậm tiến độ; rà soát các công trình đã xong nhưng chưa được nghiệm thu; tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, nhất là các dự án về giao thông, y tế, giáo dục.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu cần đẩy mạnh hoàn thành quy hoạch các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung vào các dự án Logictics; Mở rộng Sân gôn trong khu kinh tế; Nhà ở xã hội…
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị tăng tốc các dự án chuyển đổi số, tập trung triển khai có hiệu quả các sản phẩm chuyển đổi số đặc trưng, trọng điểm,… đẩy mạnh thủ tục hành chính nội bộ. Quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, dịch bệnh; đổi mới công nghệ tại các khu công nghiệp theo hướng phát triển xanh, bền vững; rà soát, thống kê về nghiện, số liệu giảm nghèo, công tác khiếu kiện.