Kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 1/5/2024 kéo dài 5 ngày, đây cũng là thời điểm hoạt động du lịch leo núi, cắm trại trong rừng diễn ra sôi động, nhưng cũng là đợt cao điểm nắng nóng, do đó nếu sơ suất trong sử dụng lửa có thể xảy ra cháy rừng gây hậu quả khôn lường. Chính vì vậy, công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng đang được đặc biệt chú trọng.
Theo dự báo của ngành khí tượng – thủy văn, trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 năm nay, tình hình thời tiết nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao. Nhằm ổn định công tác quản lý bảo vệ rừng, không để cháy rừng xảy ra, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị và chủ rừng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và Kế hoạch về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR mùa khô 2024 – 2025. Theo đó, các địa phương, đơn vị và chủ rừng cần chủ động rà soát, xác định vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao, tăng cường kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, kịp thời chấn chỉnh và xử lý những trường hợp thiếu trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng; tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về PCCCR tới toàn thể người dân.
Trọng điểm nhất vẫn là các khu rừng đặc dụng như Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Sa Pa; Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn; Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Đặc thù của ba khu rừng trên là rừng tự nhiên, đặc dụng, diện tích rộng có địa hình hiểm trở, hệ sinh thái phong phú với nhiều loại động – thực vật quý hiếm. Tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, hiện nay đang là mùa khô, thời điểm nông nhàn, lại vào dịp nghỉ lễ nên đối tượng xấu rất dễ lợi dụng thực hiện các hành vi xâm hại đến rừng.
Tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, lực lượng kiểm lâm luôn phải chủ động, tập trung thực hiện nhiệm vụ. Ông Trần Quốc Nam, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên cho biết: Để kiểm soát rừng hiệu quả, chúng tôi duy trì chế độ trực 24/24 giờ tại 4 trạm kiểm lâm địa bàn, 14 chốt tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao để kịp thời phát hiện, ứng phó khi có cháy rừng xảy ra. Bên cạnh đó còn chủ động tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vào rừng khai thác lâm sản.
Đơn vị xác định 13 vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao trên địa bàn 5 xã, diện tích hơn 6.800 ha (chiếm 18,9 % diện tích rừng toàn Vườn). Hạt đã xây dựng hệ thống bản đồ phòng cháy, chữa cháy rừng cho từng vùng trọng điểm cháy, từng thôn, bản và từng xã trên địa bàn quản lý.
Anh Phí Văn Tài, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm Núi Xẻ tâm sự: Với đặc thù nghề bảo vệ rừng, chúng tôi “hiếm” có ngày nghỉ trọn vẹn. Dịp nghỉ lễ năm nay kéo dài 5 ngày nên dự báo lượng khách du lịch đến tham quan, leo núi tại đây tăng, lại vào cao điểm mùa khô, nguy cơ cháy rừng cao nên công việc bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được đặt lên hàng đầu, Trạm duy trì trực 24/24 giờ, với 100% lực lượng.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát có tổng diện tích rừng hơn 18.600 ha. Liên tục từ cuối tháng 3 này, thời tiết trên địa bàn diễn biến phức tạp, nắng nóng, gió lớn kéo dài, nguy cơ cháy rừng đang ở mức rất cao. Để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng trong mùa hanh khô năm 2024, đặc biệt là trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã lập 13 chốt bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng tạm thời tại 5 xã vùng lõi. Các chốt được đặt tại trung tâm thôn và “cửa ngõ” vào rừng để tuyên truyền, vận động Nhân dân trong khu vực tham gia bảo vệ rừng, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đơn vị cũng tăng cường thêm các biển cảnh báo nguy cơ cháy rừng tại các vùng nguy cơ cháy cao, trên các tuyến leo núi để tuyên truyền, cảnh báo Nhân dân, du khách nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
Ông Ngô Kiên Trung, Trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết: Thời gian gần đây, lượng du khách tham gia leo núi (Nhìu Cồ San, Ky Quan San, Lảo Thẩn, Pu Ta Leng) tăng cao, các chốt phải duy trì lực lượng trực 24/24 giờ và thực hiện nhiệm vụ ghi chép thông tin người ra – vào rừng, tuyên truyền cho du khách leo núi nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng. Bên cạnh đó, đơn vị duy trì lực lượng, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị, dụng cụ, sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời thường xuyên tổ chức tuyên truyền về cảnh báo nguy cơ cháy rừng thông qua hệ thống các cụm loa phát thanh của 5 xã có diện tích rừng thuộc Khu Bảo tồn quản lý, bảo vệ.
Để bảo vệ rừng hiệu quả, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR đến mọi người dân sống trong và gần rừng. Kiểm tra, đôn đốc và kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng, gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt dọn nương, du lịch sinh thái. Tuyệt đối không cho phép các hành vi sử dụng lửa đốt dọn xử lý thực bì và những hành vi sử dụng lửa khác có nguy cơ cao gây cháy rừng và cháy lan vào rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, có nguy cơ cháy rừng cao, dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm), cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).