Sau 4 tháng tăng liên tiếp lượng khách quốc tế đến, tháng 5, Việt Nam đón gần 1,4 triệu lượt khách ngoại, giảm 10% so với tháng 4. Trung Quốc trở thành thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam.
Sau 4 tháng tăng liên tiếp lượng khách quốc tế đến, tháng 5, Việt Nam đón gần 1,4 triệu lượt khách ngoại, giảm 10% so với tháng 4. Trung Quốc trở thành thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam.
Việt Nam đón gần 1,4 triệu lượt khách quốc tế trong tháng 5, giảm 10% so với tháng 4 nhưng tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 5 tháng, Việt Nam đón gần 7,6 triệu lượt khách, tăng gần 65% so với cùng kỳ 2023.
Số liệu trên được Tổng cục Thống kê công bố sáng nay, ngày 29/5.
Như vậy có thể thấy, sau 4 tháng đầu năm đón lượng khách ngoại đạt mức tăng cao, sang tháng 5 con số này đã chững lại. Các chuyên gia du lịch cho rằng đây là điều bình thường. Bởi mùa cao điểm khách quốc tế tại Việt Nam từ tháng 10 đến tháng 4. Mùa Hè cũng là cao điểm du lịch ở các thị trường châu Âu, Đông Bắc Á, do đó tệp khách quốc tế đến Việt Nam vì thế cũng bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, theo chia sẻ của một số đại diện đơn vị lữ hành, một yếu tố khách quan khác khiến lượng khách quốc tế đến tháng qua chưa như kỳ vọng là bởi giá vé máy bay tới Việt Nam năm nay đắt nên khách Âu Mỹ đã chuyển hướng xê dịch.
Đáng chú ý, sau nhiều tháng liên tiếp giữ vị trí quán quân là thị trường gửi khách đến Việt Nam đông nhất, tháng 5 này, Hàn Quốc (với hơn 351.000 lượt khách đến) đã nhường vị trí top đầu cho Trung Quốc với hơn 357.000 lượt.
Các thị trường nằm trong top 10 còn lại gồm Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Australia.
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế vẫn đến nhiều nhất qua đường hàng không với gần 1,2 triệu lượt, tiếp đến là đường bộ và biển.
Tính chung 5 tháng đầu năm, ngành du lịch Việt Nam đã bắt đầu có những tín hiệu phục hồi tích cực hậu đại dịch. Kết quả này có được nhờ vào sự quan tâm của các cấp, ngành đã ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho du lịch. Cùng với đó là sự nỗ lực của toàn ngành từ cơ quan quản lý ở Trung ương đến các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội… triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, dịch vụ, đa dạng hóa các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, bảo đảm môi trường du lịch và chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách du lịch.
Các chuyên trang du lịch quốc tế, các hãng truyền thông toàn cầu, các chuyên gia, blogger du lịch nước ngoài… cũng liên tục đề xuất Việt Nam là điểm đến lý tưởng dành cho khách du lịch quốc tế, gợi ý các điểm đến nổi bật, các món ăn đặc sắc, những trải nghiệm kỳ thú khi đến Việt Nam.