Từ ngã ba quốc lộ 70 về Trường tiểu học và trung học cơ sở số 1 xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, Lào Cai), dọc hai bên đường nhiều đoạn cây cối vẫn còn xác xơ, gãy đổ.
Trên suốt con đường liên xã độc đạo, nhiều sườn dốc vẫn ngổn ngang đất đá, có những đoạn mặt đường sạt xuống chỉ còn một nửa – hệ quả của đợt mưa lũ lịch sử cách đây 3 tháng.
Trường liên cấp số 1 xã Phúc Khánh nằm ở cuối trục đường chính, một ngã rẽ đi thôn Làng Nủ với khoảng cách gần 5 cây số. Đây cũng là nơi học sinh khắp các rẻo cao quanh vùng tìm về để học con chữ.
Trẻ vùng cao háo hức Phở yêu thương
Tiếng kẻng tan trường như phá đi không gian yên ắng của buổi chiều vùng cao. Hàng trăm học sinh ùa ra từ các lớp học, tiếng các em gọi nhau ríu rít, vang khắp một khoảng sân trường.
Cất gọn sách vở, Bảo (7 tuổi) cùng bạn nhanh chóng chạy lại khu nhà kho. Em cầm chổi và đưa cho bạn chiếc xẻng hốt rác.
Chiều nay, học sinh cả 2 khối tổng vệ sinh sân trường để chuẩn bị cho sự kiện Phở yêu thương vào ngày 12-12. Từng chiếc lá rụng, mảnh giấy vụn rơi đều được các em cẩn thận nhặt bỏ vào nơi tập kết.
Trời mùa đông trên phố núi tối nhanh hơn thường lệ, tiếng kẻng vang lên sau đó 1 tiếng cũng là lời của thầy, cô gọi các em vào bữa tối.
Kể từ ngày xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng ở thôn Làng Nủ, học sinh khắp các rẻo cao đều nội trú tại trường. Vừa để đảm bảo an toàn, vừa để được tiếp cận những điều kiện chăm sóc tốt hơn.
Bữa cơm tối nay có thịt, rau, chia đều ra các đĩa. Học sinh ngồi quây quần, ấm cúng trong khu nhà ăn. Phía ngoài, gió lạnh vùng cao như tê tái.
Câu chuyện về sự kiện được ăn phở được râm ran bàn tán. Trẻ vùng cao tò mò về những tô phở Hà Nội, TP.HCM… mà chúng vẫn thường được nghe qua những câu chuyện hay bài giảng của thầy, cô giáo.
Niềm vui nhỏ sau một năm mất mát
Ông Phạm Đức Vinh (hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở số 1 xã Phúc Khánh) chiều 10-12 tất bật cùng 27 thầy, cô giáo phân công công việc, chuẩn bị cho một sự kiện mà họ gọi đó là “ngày hội”.
“Ở địa phương cũng có phở, nhưng khái niệm về một tô phở ngon như một điều xa xỉ đối với trẻ vùng cao”, ông nói.
Nhiều năm công tác vùng cao, hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở số 1 xã Phúc Khánh cho biết đây là sự kiện “từ xưa đến nay chưa từng có”.
“Trong cái rét những ngày cuối năm, được quây quần để nấu, thưởng thức những tô phở là dịp để gắn kết thầy, trò và cả những người địa phương”, ông Vinh nói, cho biết thêm đối với các giáo viên vùng cao, đây còn là dịp để có thêm kiến thức nấu một tô phở ngon, từ đó chia sẻ cho bà con, học sinh những giờ ngoại khóa.
Để sự kiện được diễn ra, ông Phạm Đức Vinh cho biết công tác tổ chức phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học .
“Ngành giáo dục nói riêng có những yêu cầu rất khắt khe về việc đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, vì vậy chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với ban tổ chức để thực hiện đúng các quy định”, ông nói thêm.
Cũng theo lãnh đạo xã Phúc Khánh, đến nay thông tin về lễ hội phở đã được lan tỏa đến đông đảo người dân. Bà con vùng cao quanh năm gắn bó với ruộng nương, núi đồi. Việc được thưởng thức và tham gia vào một sự kiện lớn là niềm vui lớn đối với họ.
Bà Loan (51 tuổi, người địa phương) nói bà biết thông tin về việc nhiều đầu bếp, nhà hàng “dưới xuôi” về nấu phở cho người dân từ gần 1 tuần qua.
Chưa có dịp tới Hà Nội, người phụ nữ nói rất mong chờ sự kiện. “Một năm nhiều mất mát, tôi mong ngày 12-12 sẽ như một niềm vui nho nhỏ đối với bà con quê mình”, bà nói.
Phở yêu thương đến Làng Nủ
Với mong muốn chuỗi sự kiện Ngày của phở 12-12 không chỉ là văn hóa, ẩm thực mà còn gói vào đó sự yêu thương, sẻ chia, đong đầy tình cảm, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Lào Cai, huyện Bảo Yên tổ chức chương trình Phở yêu thương 2024 tại Trường tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh trong hai ngày 11 và 12-12.
Tại đây, nghệ nhân của các quán phở tham gia chương trình sẽ hướng dẫn chị em phụ nữ xã Phúc Khánh, các cô giáo Trường tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh cách nấu những tô phở thơm ngon.
Báo Tuổi Trẻ cũng dành những phần quà ý nghĩa gửi tới 33 hộ dân Làng Nủ (những hộ vừa nhận nhà ở khu tái định cư mới); các thầy cô giáo và toàn bộ học sinh Trường số 1 Phúc Khánh. 320 học sinh mỗi em sẽ nhận túi quà gồm: ba lô, phở khô, xúc xích và 1 triệu đồng tiền mặt; mỗi giáo viên nhận quà 2 triệu đồng tiền mặt…
Và không thể thiếu những tô phở thơm ngon do các đầu bếp trứ danh từng đoạt giải cao trong sự kiện Ngày của phở nấu mời toàn bộ người dân, học sinh, giáo viên trong xã. Dự kiến có 2.000 tô phở yêu thương dành tặng dân làng.
Tham gia sự kiện Phở yêu thương năm nay có các quán/tiệm phở nổi tiếng, như: Phở Thìn Bờ Hồ (Hà Nội), Phở 34 Cao Thắng (TP.HCM), Phở S (Sâm Ngọc Linh).
Ngoài ra còn có sự tham gia của hai đầu bếp nổi tiếng trong làng ẩm thực như Master chef Đỗ Nguyễn Hoàng Long, “hoa hồi bạc” chuyên nấu phở cho gia đình bạn bè thưởng thức là Phan Quý Long.
Bên cạnh sự hỗ trợ của thương hiệu phở nổi tiếng, các đầu bếp, Phở yêu thương 2024 còn nhận được những tấm lòng vàng hỗ trợ hiện kim, hiện vật của HDBank, Greenfeed, Vietravel Airlines, đội bóng đá An Nguyên Bảo, Acecook, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn…