Với thông điệp “Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 đã thể hiện tinh thần vượt khó sau đại dịch Covid-19, tiếp tục khẳng định là sự kiện nghệ thuật quốc gia có dấu ấn chuyên nghiệp cao, thu hút đông đảo các nhà hoạt động điện ảnh, các nghệ sĩ, với nhiều tác phẩm điện ảnh đạt chất lượng nghệ thuật tốt, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Từ 177 bộ phim tham dự, Hội đồng tuyển chọn đã chọn 146 bộ phim dự thi và phim trong chương trình toàn cảnh, với nội dung và hình thức rất đa dạng và phong phú. Trong đó, nhiều bộ phim chất lượng được nâng cao, nhiều sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh. Đội ngũ làm phim từ sản xuất, biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, cho đến âm nhạc, âm thanh và dựng phim thể hiện ngày càng chuyên nghiệp.
Phát biểu tại đêm lễ bế mạc, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 nhận định, liên hoan phim đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả và các nghệ sỹ điện ảnh. Đồng thời, ghi nhận những cống hiến, đầu tư thích đáng, tâm huyết của các nhà sản xuất phim, các nghệ sỹ điện ảnh đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm điện ảnh chất lượng cao.
Ông Tạ Quang Đông nói: “Để Điện ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới đòi hỏi cần sự nỗ lực của các cơ quan quản lý ngành, các nhà hoạt động điện ảnh, các doanh nghiệp sản xuất, phát hành – phổ biến phim và sự ủng hộ của công chúng khán giả. Đội ngũ những người hoạt động điện ảnh, các nghệ sĩ phải vững vàng về bản lĩnh chính trị, tư tưởng; không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ để vừa tiếp thu được tinh hoa của điện ảnh thế giới, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, để có những tác phẩm xuất sắc thu hút công chúng khán giả, góp phần xây dựng điện ảnh trở thành nền công nghiệp văn hóa vươn ra thị trường quốc tế”.
Tại lễ bế mạc, Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho các bộ phim xuất sắc và 25 giải thưởng cho các cá nhân xuất sắc… Ở thể loại phim truyện điện ảnh, bộ phim “Tro tàn rực rỡ” đoạt giải thưởng Bông Sen Vàng; 3 bộ phim “Mẹ ơi, Bướm đây!”, “Em và Trịnh”, “Đào, Phở và Piano” đoạt giải thưởng Bông Sen Bạc.
Ngoài giải thưởng quan trọng, “Tro tàn rực rỡ” còn giành thêm 4 giải khác gồm Quay phim xuất sắc, Âm nhạc xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc và Nam diễn viên phụ xuất sắc cho Lê Công Hoàng. “Tro tàn rực rỡ” cũng là bộ phim được chọn đi dự giải Oscar 2024.
Thể loại phim tài liệu, giải thưởng Bông Sen Vàng được dành cho bộ phim “Những đứa trẻ trong sương”; 2 bộ phim “Hai bàn tay”, “Trời Hà Nội mãi xanh – Tập 2: Bầu trời của hòa bình” nhận giải thưởng Bông Sen Bạc.
Thể loại phim khoa học, phim “Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy” đoạt giải Bông Sen Vàng; phim “Rác chìm” đoạt giải Bông Sen Bạc.
Với thể loại phim hoạt hình, giải thưởng Bông Sen Vàng dành cho phim “Giấc mơ của con”; 2 phim “Nụ cười” và “Bà của Đỗ Đỏ” đoạt giải thưởng Bông Sen Bạc.
Riêng bộ phim “Đất rừng phương Nam” không nhận được bất kỳ giải thưởng nào.