Vừa qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đông người mắc, đặc biệt là vụ ngộ độc xảy ra tại quán cơm gà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vào ngày 11/3/2024 làm 369 người mắc; vụ ngộ độc bánh mỳ tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai ngày 30/4/2024 với trên 500 người mắc phải nhập viện điều trị, trong đó, nhiều trường hợp nặng, gây tâm lý hoang mang, lo ngại trong Nhân dân.
Để bảo đảm công tác an toàn thực phẩm, phòng ngừa và khắc phục các sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các nội dung về ngăn ngừa và xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm.
Theo đó, Sở Y tế đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các nguy cơ ngộ độc thực phẩm và cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho các nhóm đối tượng trên địa bàn toàn tỉnh; thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, nhất là tại các điểm tập trung đông dân cư, khu du lịch; bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp, các bệnh viện; thức ăn đường phố, quán ăn vỉa hè…; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Thường trực nắm thông tin, chỉ đạo điều tra, xử trí các vụ ngộ độc thực phẩm; tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn theo phân công, phân cấp; tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và công tác phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; phối hợp tích cực với Sở Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định.
Các đơn vị truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng; đưa tin kịp thời các sự cố về an toàn thực phẩm để cảnh báo rộng rãi trong quần chúng Nhân dân.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho các nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi các hành vi mất an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không để các cơ sở không đủ điều kiện vẫn hoạt động; chú trọng kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại: bếp ăn tập thể, các khu du lịch, chợ, các cơ sở kinh doanh thức ăn nhanh khu vực cổng trường học, thức ăn đường phố…; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; bố trí nguồn lực, tổ chức bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.