Chợ đầu tư lớn, nhưng hiệu quả chưa tương xứng
Chợ Kim Tân có tổng mức đầu tư 36,6 tỷ đồng, được khởi công xây dựng năm 2014 và đi vào hoạt động tháng 7 năm 2017. Chợ hiện có khoảng 400 kiốt, vậy nhưng sau 8 năm đi vào hoạt động, đến nay chỉ có 100 tiểu thương kinh doanh tại đây. Điều đáng nói là toàn bộ sàn tầng 2 của chợ đã để không từ 7 năm nay.
Ông Trần Xuân Thành, một tiểu thương tại chợ Kim Tân chia sẻ: “Tầng 2 chưa hoạt động gì rất nhiều năm rồi, rất lãng phí. Bên cạnh đó, rất nhiều tiểu thương đã bỏ chợ vì các ngành hàng không kinh doanh được”.
Tầng 2 chợ Kim Tân: Diện tích bỏ trống gây lãng phí
Không phát huy được hiệu quả sử dụng, các thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại chợ Kim Tân cũng đã hư hỏng hoặc xuống cấp. Mái nhà chợ khu A,B,C có hiện tượng bị bong nóc, thấm dột ở nhiều vị trí, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương.
Ông Trần Đình Ngọc, Trưởng Ban Quản lý Chợ Kim Tân, cho biết: “Một số hạng mục như mặt sàn tầng 2, các vị trí tường cũng đã bị hư hỏng, bong tróc, xuống cấp”.
Hạ tầng chợ Kim Tân xuống cấp ảnh hưởng đến chất lượng môi trường kinh doanh
Cách chợ Kim Tân không xa, chợ Du lịch Lào Cai có tổng mức đầu đầu tư lên tới 468 tỷ đồng, tổng diện tích mặt sàn khoảng 400.000 m2. Chợ được thiết kế 3 tầng nổi, 1 tầng âm, vậy nhưng sau gần 4 năm đi vào hoạt động, đến nay mới có 250/570 gian hàng truyền thống có hộ kinh doanh; 30/66 căn Shophouse có chủ, còn lại vẫn để không. Chủ đầu tư đang phải bù lỗ để duy trì hoạt động của chợ.
Ông Phạm Quốc Tuân, Phó Trưởng Ban Quản lý Chợ Du Lịch Lào Cai cho biết: “Một số hạng mục như mặt sàn tầng 2, các vị trí tường cũng đã bị hư hỏng, bong tróc, xuống cấp”.
Chợ Du lịch Lào Cai: Không gian rộng lớn nhưng ít hoạt động kinh doanh
Theo đánh giá của ngành Công Thương Lào Cai: Cùng với sự phát triển nở rộ của hệ thống các siêu thị và bán hàng trực tuyến, thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều chợ đầu tư tiền tỷ nhưng chưa phát huy được hiệu quả do thời gian và giá thuê mặt bằng chưa phù hợp với nhu cầu tiểu thương. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách về quy hoạch, phát triển chợ đang bộc lộ nhiều bất cập, không đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai nhận định: “Cơ chế, chính sách về quy hoạch, phát triển chợ hiện nay không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đặc biệt là liên quan đến mô hình quản lý chợ, quản lý tài sản đầu tư công. Bên cạnh đó, một số ngành nghề truyền thống như giày, dép, đồ gia dụng… chịu sự cạnh tranh mạnh của siêu thị, trung tâm thương mại…”.
Toàn cảnh chợ Du lịch Lào Cai nhìn từ trên cao
Để mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh phát huy được hiệu quả sử dụng, rất cần phải có giải pháp căn cơ từ nhiều phía. Chỉ có như vậy thì mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh mới phát huy được hiệu quả sử dụng, đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân và du khách.
Giải pháp phát huy hiệu quả các chợ
Trước thực trạng nhiều chợ đang hoạt động không hiệu quả, ngành Công Thương Lào Cai đang tích cực phối hợp với các chủ đầu tư và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp về giá thuê mặt bằng và thu hút thêm các tiểu thương vào kinh doanh tại chợ.
Thành phố Lào Cai hiện có 13 chợ với hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, đáp ứng cơ bản các tiêu chí của chợ đô thị.
Tại chợ Kim Tân, để thu hút thêm các tiểu thương vào kinh doanh trong chợ, Ban quản lý chợ đang đề xuất thành phố tăng cường công tác quản lí trật tự đô thị, không để tình trạng người bán hàng tự do lấn chiếm lòng đường, vỉa hè kinh doanh. Cùng với đó phê duyệt lại phương án sắp xếp ngành hàng, giá thuê mặt bằng và cải tạo lại cơ sở vật chất của chợ.
Ông Trần Đình Ngọc, Trưởng Ban Quản lý Chợ Kim Tân, cho biết: “Chúng tôi đã có đề xuất với thành phố trong việc điều chỉnh phê duyệt lại các ngành hàng ở tầng 2 để Ban quản lý chợ có cơ sở để thu hút các ngành hàng như thể thao, làm đẹp… vào hoạt động tại chợ”.
Chợ Kim Tân: Đề xuất cải tạo cơ sở vật chất, phát triển các ngành nghề mới
Còn tại chợ Du lịch Lào Cai, chủ đầu tư cũng đang áp dụng nhiều ưu đãi để các tiểu thương trở lại kinh doanh trong chợ.
Chị Nguyễn Thị Oanh, một tiểu thương tại chợ Du Lịch Lào Cai chia sẻ: “Vì khu vui chơi thiếu nhi cần diện tích rộng và chủ đầu tư có ưu đãi về phí thuê mặt bằng nên tôi đã quay lại hoạt động tại chợ”.
Ông Phạm Quốc Tuân, Phó Trưởng Ban Quản lý Chợ Du Lịch Lào Cai cho biết: “Chợ hiện đang phải bù lỗ. Công tác chiêu thương và miễn phí các lệ phí của chợ từ 6 tháng đến 2 năm đang được áp dụng. Hợp tác xã chưa có nguồn thu”.
Ông Phạm Quốc Tuân, Phó Trưởng Ban Quản lý Chợ Du Lịch Lào Cai cho biết lý do ưu đãi thuê mặt bằng
Cũng theo ngành Công Thương Lào Cai, để các chợ được đầu tư quy mô lớn hoạt động hiệu quả, chủ đầu tư cần phải thay đổi mô hình hoạt động và nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và du khách. Cùng với đó cần có chính sách thu hút đầu tư để huy động sự tham gia của xã hội trong phát triển chợ, nâng cao chất lượng hoạt động của các ban, tổ quản lý chợ theo phân cấp quản lý.
Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai đề xuất: “Chúng ta cần đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương quản lý, khai thác các chợ, đồng thời phân định lại các khu vực chợ để có phương án khai thác hiệu quả”.
Về lâu dài, việc lập quy hoạch phát triển hệ thống chợ cũng cần được nghiên cứu, đánh giá sự cần thiết dựa trên mật độ dân cư, tập quán kinh doanh, buôn bán của cư dân địa phương, tránh tình trạng quy hoạch chợ quá dày, không phù hợp với nhu cầu thực tế. Từ đó, phát huy được hiệu quả hoạt động của các chợ đã đầu tư.
Đức Tính – Phạm Dương