Khoảng hai mươi tác phẩm, trong đó có nhiều bức khổ lớn mô tả những đám mây bồng bềnh đa sắc màu, được tạo nên bằng những sợi len, sợi đay và những hạt cườm lấp lánh rực rỡ dưới ánh đèn mang đến cho người xem những cảm nhận thú vị về thế giới quan của tác giả.
Tia-Thủy Nguyễn cho biết cô rất tự hào khi được một phòng tranh nổi tiếng thế giới lựa chọn và tổ chức triển lãm riêng cho các tác phẩm của cô. Với chủ đề “Lấp lánh giữa bao la”, các tác phẩm được lấy cảm hứng từ những câu chuyện về bầu trời và những đám mây mà người cha, vốn là phi công lái máy bay chiến đấu, đã kể cho cô nghe khi còn bé, từ sự quan sát và cảm nhận của cô khi nhìn qua cửa sổ máy bay trong những chuyến du ngoạn, để từ đó hình thành sự nhìn nhận thế giới quan của cô với triết lý sống “bồng bềnh, nhẹ nhàng như những đám mây, lấp lánh, bao la, hiện hữu nhưng không chạm được”.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong ngành thời trang, bằng sự am hiểu chất liệu, kỹ thuật thêu và nghề thủ dệt công truyền thống, kết hợp với kiến thức hội họa mỹ thuật, cô đã biết tạo nên sự giao hòa giữa thời trang và nghệ thuật, giữa tư duy và sáng tạo, để rồi từ đó tạo nên những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật độc đáo có một không hai.
Cô Mara Hoberman, một nhà nghiên cứu và biên tập viên trong lĩnh vực nghệ thuật của tạp chí Artforum của Mỹ cho biết đây là lần đầu tiên cô được xem tranh của Tia-Thủy Nguyễn. “Trước đó tôi đã từng biết đến các tác phẩm của cô ấy qua tranh ảnh và video, nhưng hôm nay được nhìn trực tiếp thì thấy đẹp hơn hẳn. Bởi vì khi ta đứng trước những tác phẩm này thì ấn tượng và cảm xúc rất đa dạng, thay đổi từng phút, theo từng góc nhìn, từng đường nét và theo cảm quan của mỗi người. Quả thực là trải nghiệm trực tiếp mang lại cho người xem cảm giác thú vị hơn nhiều. Tôi tin rằng các tác phẩm này đặt ra trước ánh sáng ban ngày, sẽ thay đổi từng giờ và sẽ còn ấn tượng nhiều hơn nữa”, cô nhấn mạnh.
Với bạn trẻ Đặng Nam Quốc, một sinh viên Việt Nam tại Pháp, các tác phẩm không chỉ thể hiện vẻ đẹp mà còn mang màu sắc tích cực, giống như tính cách của tác giả, tích cực và nhiều năng lượng. Đặng Nam Quốc bày tỏ : “Em thấy rất tự hào khi có một người Việt Nam tổ chức được một triển lãm đẹp như thế này, tại địa điểm sang trọng như ở đây”.
Đặc biệt ấn tượng với sự sáng tạo của Tia-Thủy Nguyễn, bà Almine Ruiz-Picasso, chủ phòng tranh Almine Rech Gallery, nhận thấy các tác phẩm của Tia-Thủy Nguyễn, “rất phức tạp, tỉ mỉ, với nhiều chất liệu từ sơn dầu, acrylic, đến các hạt cườm, sợi len, rất đẹp, nên khi nhìn vào chúng ta có thể tưởng như đang nhìn lên bầu trời với những đám mây. Có thể nói tranh của cô ấy mang bản sắc châu Á rất mạnh mẽ, từ ý nghĩa các bức thêu đến chất liệu cô ấy sử dụng, từ hội họa truyền thống đến lịch sử Việt Nam”.
Đây không phải là lần đầu các tác phẩm của cô được triển lãm ở Pháp, nhưng là lần đầu tiên một phòng tranh hàng đầu thế giới tổ chức triển lãm cá nhân của cô. Tia-Thủy Nguyễn tâm sự, triển lãm là một dịp để học hỏi, bởi vì với một họa sĩ việc tạo ra những tác phẩm đẹp là chưa đủ, cần phải phát huy những giá trị gia tăng của tác phẩm đó, và cô cho rằng sau triển lãm rất chuyên nghiệp này cô sẽ có nhiều kiến thức và trải nghiệm để chia sẻ với các bạn đồng nghiệp trẻ trong nước, mong muốn có cơ hội vươn ra thế giới bao la.