Đây là dự án văn hóa, giáo dục, nghệ thuật hướng tới phát triển làng nghề truyền thống trong vùng nội ô. Việc triển khai chương trình mang nhiều ý nghĩa, giá trị văn hóa này cũng nhằm hiện thực hóa dự án giành chiến thắng tại Cuộc thi sáng kiến ý tưởng xã hội ”Tôi 20 – Twenties” mùa 10 tại Việt Nam vào tháng 4/2023 vừa qua.
Nghệ nhân Lê Thị Hoa chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển nghề làm nón lá làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội). Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên
Bên cạnh đó, Workshop nói riêng và chuỗi sự kiện trong giai đoạn Hè – Thu 2023 thuộc khuôn khổ Dự án Trường làng trong phố hướng đến việc mang tới sự thấu hiểu sâu sắc về làng nghề truyền thống.
Đặc biệt, trong Workshop lần này có sự tham gia của 2 mẹ con nghệ nhân Lê Thị Phương và Lê Thị Hoa thuộc làng nghề làm nón Chuông (Thanh Oai, Hà Nội), trong vai trò dẫn dắt, hướng dẫn trải nghiệm chính cho người tham dự.
Workshop “Nghiêng vành nón Chuông” tập trung vào 2 hoạt động chính là kết vành thêu hoa và buộc quai tơ hồng. Theo đó, nghệ nhân đã hướng dẫn người tham dự từ tổng quan cách thức thực hiện đến các bước chi tiết từ bứt vòng tạo khung cho nón, chụp lớp lá mặt trong, chụp lớp mo ở giữa và lớp lá mặt ngoài, khâu cố định khung nón và các lớp lá cho tới là nức, trang trí viền nón. Sau đó, nghệ nhân sẽ cùng người tham dự hoàn thiện sản phẩm.
Nghệ nhân Lê Thị Hoa tỉ mỉ trong một công đoạn làm nón lá làng Chuông. Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên
Chia sẻ tại sự kiện, nghệ nhân Lê Thị Hoa cho hay, từ lâu, làng Chuông đã nổi tiếng gần xa bởi nghề làm nón lá truyền thống. Trải qua nhiều công đoạn phức tạp, những người nghệ nhân làng Chuông đã tạo nên chiếc nón lá tinh xảo bằng đôi bàn tay tỉ mỉ, khéo léo.
Không thể phủ nhận nghề làm nón đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân sinh sống tại làng, song sự chuyển mình của xã hội hiện đại khiến việc tiêu thụ những chiếc nón dần trở nên khó khăn hơn. Đáng nói, thế hệ trẻ thời nay đã không còn hào hứng với việc tạo nên cũng như sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống.
Nghệ nhân Lê Thị Phương hướng dẫn các bạn trẻ làm nón lá mini. Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên
Với mục đích bảo tồn và gìn giữ làng nghề truyền thống, dự án Trường làng trong phố đã được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực. Đây cũng là dịp để các bạn trẻ có thể tận mắt chiêm ngưỡng và trải nghiệm thực tế quá trình tạo ra những chiếc nón lá.
Những hoạt động này đã và đang khơi dậy niềm đam mê của các bạn trẻ với nghề thủ công truyền thống; đồng thời quảng bá và phát triển các sản phẩm thủ công làng nghề Việt Nam với bạn bè năm châu, lan tỏa giá trị văn hóa Việt đến với cộng đồng trong nước và quốc tế.
Đoàn Thảo Nguyên