Cõng cây lên núi
Những ngày này, cán bộ Trạm Kiểm lâm Vĩnh Yên và Tổ bảo vệ rừng Khuổi Vèng bắt đầu đợt phát dọn khu vực rừng phòng hộ trên đỉnh Nậm Rịp. Nếu thời tiết thuận lợi, công việc sẽ kết thúc trong vòng nửa tháng. Để đảm bảo tiến độ, trạm phải thuê thêm một số lao động địa phương. Ở lưng chừng núi, một lán dã chiến đủ chỗ cho 10 người ở đã được dựng lên. Sau đợt phát dọn, cán bộ kiểm lâm sẽ cõng cây giống lên trồng dặm bù vào vị trí không còn cây, đảm bảo mật độ rừng sau này.
Hôm nay, anh Phan Hữu Hiển, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Vĩnh Yên và các cán bộ của trạm hành quân lên rừng kiểm tra tiến độ thực hiện công việc, chúng tôi cũng theo chân các anh ngược núi.
Từ Trạm Kiểm lâm Vĩnh Yên qua Quốc lộ 279 rẽ vào đường bê tông mới đổ sau chừng 15 phút xe chạy, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác với bạt ngàn quế. Những mái nhà sàn của đồng bào Tày thấp thoáng dưới chân.
Vĩnh Yên được coi là “trái tim” của đất quế Bảo Yên với hơn 2.000 ha trồng khắp các thôn, là một trong những nơi trồng quế sớm nhất Bảo Yên. Nhiều đồi quế đã cho thu 3 – 4 lứa, giúp các hộ nơi đây có thu nhập cao.
Truyền thống bảo vệ, giữ gìn và phát triển rừng ở Vĩnh Yên là sự đảm bảo chắc chắn cho thành công của dự án trồng rừng phòng hộ nên dự án này khi huyện Bảo Yên trình các sở, ngành đã được thông qua rất nhanh.
Sau ít phút đi trên đoạn đường bê tông, xe chúng tôi bắt đầu ngược dốc theo đường đất. Càng lên cao đường càng nhỏ lại. Anh Hiển bảo, đây là đường đi bộ chăm sóc quế của bà con, cách đây hơn 1 năm được kiểm lâm sửa lại thành đường xe máy đi để chở cây giống lên trồng. Chỉ vài tháng không có người đi, cỏ mọc rậm rạp, lại thêm những cơn mưa xói đường thành rãnh khiến việc đi lại là một thử thách.
Chiếc xe máy rồ ga qua khe suối được thêm một đoạn khi hết vành đai trồng quế của người dân thì đoàn chúng tôi phải để xe máy bên đường để đi bộ. Trên này là rừng tái sinh với nhiều cây gỗ, vầu, nứa, những dòng nước trong vắt chảy ra từ khe đá. Anh Hiển chỉ tay về khe nước trước mặt bảo, đây là đầu nguồn nước được kéo về phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân Vĩnh Yên.
Khu vực này trước đây là bãi chăn thả của người dân, đất đã bị nén chặt không khác gì bê tông nên cây phát triển chậm, gần 2 năm rồi mà có cây chỉ được 30 cm, chắc phải mất một thời gian nữa khi rễ cây bám sâu vào lòng đất thì cây mới chóng lớn….
Nhìn màu xanh của tầng tầng lớp lớp cây rừng, chúng tôi hiểu vì sao ở Vĩnh Yên dù vào mùa hạn bà con cũng chẳng lo thiếu nước. Khu vực trồng rừng phòng hộ đã ở ngay trước mắt, đi thêm chừng 30 phút, chúng tôi bắt đầu thấy những vành đai trồng rừng đầu tiên. Kiểm tra từng gốc cây mỡ, thông, trẩu… anh Hiển cho hay khu vực này trước đây là bãi chăn thả của người dân, đất đã bị nén chặt không khác gì bê tông nên cây phát triển chậm, gần 2 năm rồi mà có cây chỉ được 30 cm, chắc phải mất một thời gian nữa khi rễ cây bám sâu vào lòng đất thì cây mới chóng lớn.
Nhìn các cán bộ kiểm lâm nâng niu từng gốc cây, tán lá, chúng tôi hiểu mọi người làm công việc này không chỉ với trách nhiệm mà còn là tình yêu với những cánh rừng.
Khi chúng tôi lên đỉnh núi, dù đã gần trưa nhưng sương mù vẫn bao phủ. Đây là nơi giáp ranh với xã Bản Cái (Bắc Hà). Vào ngày trời quang, nhìn một vòng có thể thấy bên phải là cánh đồng lúa Khuổi Vèng, bên trái là dòng sông Chảy uốn lượn trong xanh. Những ngày qua, cán bộ kiểm lâm, đội tuần rừng Khuổi Vèng và người dân đã phát dọn diện tích rừng trồng phòng hộ, công việc này được tiến hành định kỳ mỗi năm 2 lần.
Chỉ chưa đầy nửa năm, cỏ cây đã lan khắp nơi, che lấp gần hết những cây mỡ hai năm tuổi, nhiều cây còn bị dây leo cuốn chằng chịt. Nhìn về phía những triền đồi đã được phát quang, từng hàng mỡ, trẩu mướt xanh vươn lên tươi tốt, những cây mỡ trồng ở nơi có nhiều thảm cây mục có nhiều dinh dưỡng đã cao gần bằng đầu người. Anh Hiển mừng rỡ: Nếu cây nào cũng lớn nhanh như thế thì chẳng mấy mà cả đỉnh núi này sẽ được phủ xanh!
Trả lại màu xanh
Dự án trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng phòng hộ thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác năm 2021 – 2027 do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bảo Yên thực hiện được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt cuối năm 2021. Dự án được thực hiện với tổng diện tích 60 ha trên địa bàn các xã: Xuân Hòa, Vĩnh Yên, Nghĩa Đô. Các loại cây được đưa vào trồng là mỡ, thông, trẩu. Diện tích rừng được trồng lại hầu hết ở những nơi địa hình hiểm trở, đất đai khô cằn.
Anh Hiển kể: 2 năm trước, khi bắt đầu dự án trồng rừng thay thế, khâu khó nhất là vận chuyển cây giống và phân bón, xe máy chỉ đi được hơn nửa đường, còn lại anh em kiểm lâm và người dân phải dùng gùi cuốc bộ lên. Ròng rã cả tháng trời cuốc hố, bón phân, trồng cây…
Mỗi mầm cây là bao công sức, bao mồ hôi đổ xuống, bảo sao các anh không quý cho được!
Từ đầu tháng 10 đến nay, Trạm Kiểm lâm Vĩnh Yên đã thực hiện việc chăm sóc, bón phân, trồng dặm trên diện tích rừng mới trồng trên địa bàn các xã Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Xuân Hòa, đến thời điểm hiện tại, 2/3 diện tích theo chỉ tiêu kế hoạch đã được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật.
Anh Phạm Hồng Thái, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bảo Yên cho biết: Trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhằm đảm bảo nhanh chóng thay thế diện tích rừng đã mất bằng diện tích rừng trồng mới, góp phần nâng độ che phủ của rừng; nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân; giải quyết việc làm cho các hộ tại các xã: Vĩnh Yên, Nghĩa Đô, Xuân Hòa tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; khi rừng khép tán sẽ phát huy chức năng phòng hộ đầu nguồn cho khu vực.
Ông Hoàng Văn Trúc, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng Vĩnh Yên cho biết: Được tham gia thực hiện dự án, các thành viên trong tổ đã cùng cán bộ kiểm lâm trồng, chăm sóc và vận động người dân bảo vệ nghiêm ngặt rừng phòng hộ trên địa bàn.
Nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi, rừng không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho bà con mà còn bảo vệ môi trường sinh thái, giữ nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Theo ông Hoàng Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Yên, nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi, rừng không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho bà con mà còn bảo vệ môi trường sinh thái, giữ nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn có nhiều thuận lợi, diện tích đất sản xuất đã được bà con phủ kín bằng cây quế, diện tích rừng phòng hộ, rừng tự nhiên được bà con bảo vệ bằng quy ước, hương ước. Dự án trồng rừng phòng hộ này được bà con đồng tình ủng hộ và cam kết tham gia cùng lực lượng kiểm lâm bảo vệ, giữ gìn.