Trong thời gian gần đây, Vườn Cúc Phương bỗng chiếm sóng áp đảo khắp các nền tảng internet, không chỉ bởi độ này “rừng đang vào hội” với mùa bướm nở rộ tựa như những bông hoa bay, mà cái chính là sự xuất hiện của “Tour tham quan Vườn quốc gia Cúc Phương bằng xe điện vào ban đêm”. Và tất nhiên, đó là một trải nghiệm thú vị, đưa chúng tôi rời Thủ Đô nhộn nhịp tìm về với rừng xanh.
Án ngữ trên dãy núi đá vôi hùng vĩ, Vườn quốc gia Cúc Phương là khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng quốc gia nằm trên địa bàn 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa.Vườn có diện tích trên 22.000 ha, trung tâm nằm ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Đây là vườn quốc gia đầu tiên tại Việt Nam cũng là nơi được tổ chức World Travel Awards bầu chọn và vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á trong 5 năm liên tiếp (từ 2019 – 2023).
Trải qua thời gian dài, khu rừng không chỉ gìn giữ được sự hùng vĩ, mà còn trở thành mái nhà chung cho thảm thực vật và động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Bên cạnh vai trò bảo tồn, thì từ lâu, Vườn quốc gia Cúc Phương đã nổi tiếng như một khu du lịch sinh thái cho những người yêu thiên nhiên.
So với các điểm di tích lịch sử, thì xây dựng tour đêm trong rừng già dường như là cách làm du lịch không hề dễ dàng. Bởi chẳng mấy ai đủ gan dạ để bước vào chốn rừng thiêng khi bóng tối đã lan tỏa khắp các hang cùng ngõ hẻm. Nhưng ở Cúc Phương thì khác, tour đêm này quả thực rất đáng mong đợi.
Đúng 19 giờ, chúng tôi có mặt ở khu cổng chính và chiếc xe điện đưa cả đoàn từ từ tiến vào bìa rừng. Bóng tối ngày một bao trùm, lối vào rừng bắt đầu len lỏi qua những tán cây cổ thụ cao ngút ngàn. Dẫn dắt chúng tôi trong đêm tối ấy không phải ánh đèn pha mà là lời giới thiệu thâm tình đến từ hướng dẫn viên cũng chính là đội ngũ kiểm lâm viên của Vườn Cúc Phương. Các anh tựa như những “cuốn sách sống” về khu rừng có tới hơn 2000 loài thực vật, hàng trăm loài động vật quý hiếm cần bảo tồn nghiêm ngặt này. Những gốc cây vĩ đại mà chúng tôi vụt qua đến những kỳ hoa dị thảo len lỏi trong gió đều được “người giữ rừng” giải thích với tâm hồn say mê và tự hào.
Phải công nhận đi giữa rừng trong điều kiện ánh sáng ít ỏi thế này cho ta cảm giác như đi giữa không gian đầy ma mị, bí ẩn.
Biết những vị khách ít nhiều vẫn còn thấy hoang mang, anh Phạm Cường – hướng dẫn viên của cả đoàn cho hay: “Các bạn trẻ gọi đây là tour đêm, còn chúng tôi lại dùng cái tên mỹ miều hơn là “Tắm rừng”. Có thể hiểu là mọi người để cho cơ thể và tâm hồn được thư giãn trong bầu không khí của rừng bằng tất cả mọi giác quan“.
Xe càng tiến sâu vào rừng thì điện thoại cũng bắt đầu mất sóng. Kể từ đây mọi lo toan, phiền não, mọi email cần trả lời gấp, mọi deadline cần thực hiện… đều được bỏ lại phía sau.
Mà điều đặc biệt hơn cả là “những ngôi sao bay” bao người mong đợi cuối cùng cũng xuất hiện. Lập lòe trong bụi cây chính là đom đóm – thứ đặc sản về đêm độc đáo của Vườn quốc gia Cúc Phương.
Cứ mỗi độ tháng 4, 5 mùa đom đóm lại bắt đầu nở rộ, lấp lánh giữa đại ngàn khiến ai đến Cúc Phương cũng mong mỏi được chiêm ngưỡng.
Cứ nghĩ sẽ bắt gặp được cảnh tượng hàng nghìn con đom đóm thắp sáng cả khu rừng, nhưng có lẽ chuyến đi của chúng tôi chưa may mắn đến vậy.
Vốn là loài côn trùng rất nhạy cảm với thời tiết nên vào những ngày trời ẩm, kèm theo chút gió lạnh thì đom đóm cũng thưa thớt hơn. Dù không nhiều nhưng cũng đủ để tạo nên một không gian huyền ảo trong khu rừng tĩnh mịch.
Cứ thế, chiếc xe chầm chậm di chuyển rồi dừng lại ở đoạn nhiều đom đóm nhất. Nhìn những “ngôi sao bay” ẩn hiện trong lùm cây bãi cỏ, bác Trung – vị khách lớn tuổi trong đoàn gọi đây là chuyến đi trở về tuổi thơ, về quá khứ: “Thuở xưa vui nhất là đi chộp đom đóm bỏ vào cây tầm bóp để làm nên những chiếc đèn lồng. Bữa tiệc ánh sáng của tuổi thơ chúng tôi những năm sơ tán đấy!”. Để giờ, bóng dáng những chú đom đóm trong đêm như “Niềm say đắm có ai ngờ, ngủ quên đâu đó bây giờ trào dâng”.
Thật vậy, với các bạn trẻ ở những thành phố lớn bây giờ làm gì còn được ngắm đom đóm nữa đâu, nên dù ít hay nhiều thì đây vẫn là những trải nghiệm hiếm có khó tìm trong cuộc sống thường nhật. Bên cạnh đó, bạn sẽ chẳng thể tìm thấy clip nào review tất tần tật về tour đêm này đâu, bởi xung quanh tối đen như mực. Người ta có thể sử dụng các thiết bị chụp ảnh chuyên dụng, kết hợp với kỹ thuật phơi sáng đủ kiểu may ra mới ghi nhận được một chút, còn muốn tận hưởng khung cảnh đẹp nhất thì chỉ có thông qua đôi mắt của chính mình.
Khoảng 19 giờ 45 phút, bỏ lại những ánh sao đêm phía sau, chúng tôi bắt đầu vào tuyến soi thú hoang dã.
Ngồi trên xe, anh Cường kể về nhiều đặc tính của các loài thú cũng cho biết các bạn ấy bây giờ đã dạn hơn nhiều. Ở đây chúng tôi có thể quay chụp thoải mái, tuy nhiên không được bật đèn flash và cần giữ im lặng để không ảnh hưởng đến chuyến săn đêm của thú rừng.
Giữa không gian tối tăm tĩnh mịch, ánh sáng duy nhất ở đây có lẽ là chiếc đèn pin phóng xa cả 100m được hướng dẫn viên lia trái lia phải soi thú.
Người ta bảo đi coi thú đêm thế thế này giống trào lưu đi săn mây của giới trẻ, tức là nếu may mắn bạn có thể bắt gặp được nhiều loài động vật khác nhau, thậm chí là những loài vô cùng quý hiếm.
Trong khi ai nấy vẫn đang loay hoay nhìn ngang ngó dọc thì bỗng có tiếng xào xạc khiến mọi người im bặt.
Hướng mắt theo ánh đèn của hướng dẫn viên chúng tôi bắt gặp những chú nai, hươu sao đang gặm cỏ, dù phía xa những chiếc xe đang từ từ lướt qua thế nhưng chúng vẫn ung dung kiếm ăn, tận hưởng ngôi nhà của mình.
Tuy không kịch tính như Nat Geo (National Geographic) kênh truyền hình khám phá thiên nhiên nổi tiếng của Mỹ, nhưng tour đêm Cúc Phương quả thực rất sáng tạo. Giữa nhịp sống hiện đại này chẳng mấy ai tưởng tượng được trải nghiệm băng rừng giữa đêm lại thi vị đến thế. Nó làm chúng tôi nhận ra rừng là nhà của động vật hoang dã, con người chỉ là những du khách nhỏ bé đến nương tựa chốn này.
Men theo con đường chính, chúng tôi được đưa đến chặng cuối của chương trình. Đây là Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật của Vườn quốc gia Cúc Phương.
Tiến đến đường hầm nhỏ, du khách lại tiếp tục hành trình tham quan ngôi nhà của các bạn động vật quý hiếm, được tận mắt nhìn thấy tê tê, mèo rừng, cầy hương, rái cá…
Ở đây chúng tôi được nghe kể về các cá thể động vật đến với khu bảo tồn này đều có câu chuyện riêng và hầu như tên của chúng cũng bắt nguồn từ lần gặp gỡ ấy như Đại Lải (mèo rừng), Hội An (cầy hương), Meo (cầy voi mốc)… Những “bảo vật” tại Cúc Phương đúng là đưa chúng tôi cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Sau hành trình 1 tiếng 30 phút, đoàn chúng tôi băng băng theo con đường chính quay về điểm xuất phát.
Với ai chưa được trải qua sẽ nghĩ đó chỉ là một chuyến đi mò mẫm trong đêm tối. Sự thật trong chuyến đi ấy còn có cả tiếng gió xì xào, đôi khi là con vật nào đó rống lên khiến cả đoàn im bặt. Có lúc vì không thể nhìn rõ, chính tôi còn giật mình khi bắt gặp những tuần tra viên đang đi dọc đường rừng làm nhiệm vụ.
Chúng tôi luôn có những “người giữ rừng” sát cánh.
Hướng dẫn viên tại rừng có những đặc điểm khác biệt so với các hướng dẫn viên phục vụ đường dài. Ngoài việc phải có kinh nghiệm và thông thuộc từng đặc điểm nhỏ của địa hình, thì họ còn có khả năng dự báo thời tiết, dự đoán được mọi biến động bất thường xảy ra để đối phó với những rủi ro có thể gặp phải.
Thêm một điều nữa, nếu không tự mình trải nghiệm tôi không thể biết được rằng chính thiên nhiên kỳ thú lại là sợi dây kết nối, cho chúng tôi gặp gỡ những người bạn thật tuyệt vời.
Những con người tuy xa lạ, tuổi tác có cách cả vài thập kỷ nhưng lại gắn kết với nhau bằng tâm hồn đồng điệu.
Giữa rừng già, có thế hệ lão làng sẻ chia những câu chuyện ở đời cho lớp trẻ về một thời gian khó, có tình yêu nghị lực gắn bó của lực lượng kiểm lâm với thiên nhiên, núi rừng. Và dường như 5km đường rừng ấy khiến khoảng cách thế hệ rút ngắn lại, để giờ đây với chúng tôi đó là cả một hành trình nhiệm màu. Càng khám phá càng thấy mình phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên, và càng trân quý hơn những con người đang thầm lặng giữ rừng, mang thêm sứ mệnh kết nối rừng với cuộc sống.
Cứ như vậy, chuyến đi xuyên rừng của những người “nghiệp dư” như chúng tôi thêm hăng hái. Càng đi sâu vào rừng, càng cảm thấy thiên nhiên hoang dã này thật bí ẩn.
Cho dù tour đêm này không có những ánh đèn mapping 3D ảo diệu, không có những dàn loa hiện đại, nhưng ở đó lại có những “ngôi sao bay” lấp lánh, tất cả những thanh âm khác nhau đã hợp thành một “bản nhạc” riêng chỉ thuộc về đại ngàn.