Những năm qua, trước nguy cơ mai một bản sắc văn hóa, nhất là việc duy trì mặc trang phục truyền thống trong đời sống thường nhật của đồng bào các dân tộc thiểu số, tỉnh Lào Cai đã có những cách làm sáng tạo vừa mang tính tiện ích nhưng vẫn mang ý nghĩa gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa. Ở một số địa phương duy trì việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình vào sáng thứ hai hằng tuần tại trụ sở xã hoặc trong các cuộc họp, hội nghị, giao ban… Các trường học duy trì cho học sinh mặc trang phục truyền thống từ 1 đến 2 ngày trong tuần cùng với đồng phục của trường.
Xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên là một trong những địa phương có đông đồng bào Tày sinh sống. 3 năm trở lại đây, xã Nghĩa Đô đã làm tốt công tác duy trì mặc trang phục truyền thống tại trụ sở UBND xã vào thứ 2 hằng tuần. Việc làm này tuy không mới, nhưng để duy trì được cũng là một trong những cách để tôn vinh nét đẹp truyền thống của trang phục đồng bào Tày nơi đây. Nghĩa Đô hiện đã được tỉnh công nhận là một trong những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn của du lịch địa phương. Không chỉ ở trong hội họp, giao ban và nơi công sở, người dân Nghĩa Đô còn duy trì mặc trang phục truyền thống để tiếp đón khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa tại đây. Ông Lý Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết: “Đến nay, 100% cán bộ, công chức xã Nghĩa Đô đều nhiệt tình hưởng ứng mặc trang phục dân tộc tại công sở vào ngày đầu tuần. Đây là nét đẹp văn hóa công sở ở cơ sở, cũng là góp phần lan tỏa tinh thần bảo tồn bản sắc văn hóa cho người dân địa phương”…
Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/8/2021 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững. Trong đó, triển khai nhiều nội dung liên quan đến mục tiêu xây dựng con người Lào Cai phát triển toàn diện, có nếp sống văn hóa, văn minh, hiện đại gắn với hội nhập, giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hóa. Các địa phương trong tỉnh, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân duy trì mặc trang phục truyền thống, nhất là trong các dịp lễ hội của các tộc người; đồng thời phối hợp triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến công tác nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn nguyên bản nét đẹp truyền thống của các bộ trang phục dân tộc…
Trong đó, tỉnh Lào Cai đã ban hành Dự án “Bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai phục vụ phát triển du lịch, giai đoạn 2021-2025”. Những năm qua, ngành Văn hóa – Thể thao và các địa phương trong tỉnh, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chú trọng vào công tác bảo tồn trang phục dân tộc, nghề dệt truyền thống, tổ chức nhiều lớp trao truyền kỹ năng, kỹ thuật may, thêu, ghép vải trong cộng đồng. Sưu tầm và số hóa mẫu hoa văn trang phục truyền thống để khai thác phát triển di sản với phát triển du lịch của địa phương. Bên cạnh công tác bảo tồn tích cực của ngành văn hóa và các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhiều chị em phụ nữ dân tộc Mông, Dao… đã năng động, sáng tạo ra nhiều sản phẩm quà tặng du lịch từ chất liệu hoa văn, y phục dân tộc bán cho du khách, tạo thêm thu nhập cho gia đình và cộng đồng.
Trong năm 2023, cuộc thi Hoa khôi du lịch Tây Bắc – Sa Pa được tổ chức tại thị xã Sa Pa đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem, không chỉ ở màn trình diễn đầy chuyên nghiệp, vẻ đẹp tự tin, tài năng của các cô gái thể hiện trên sân khấu, mà đọng lại là ở những bộ trang phục do chính các thí sinh mang đến cuộc thi. Những trang phục dù thiết kế cách tân, mang nét hiện đại, song vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa các tộc người của Sa Pa nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số Lào Cai nói chung. Những trang phục trình diễn tại cuộc thi đều được các nhà thiết kế khéo léo lựa chọn những hoa văn thổ cẩm độc đáo trên các bộ trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ Sa Pa, dân tộc Mông hoa Bắc Hà, dân tộc Xa Phó, dân tộc Hà Nhì… vừa thể hiện nét đẹp truyền thống, vừa mang nét hiện đại, làm tôn vinh nét đẹp trang phục truyền thống trong cuộc sống hiện nay.
Theo bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Sa Pa: “Các bộ trang phục trình diễn tại cuộc thi được nhà thiết kế sáng tạo trên chất liệu dân gian, từ vải lanh, vải bông, đến hoa văn trang trí độc đáo, màu sắc ở từng dân tộc, một cách hài hòa nhưng phô diễn được vẻ đẹp tinh tế, cũng như nét đặc sắc nhất của văn hóa bản địa. Ở cuộc thi, có sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại, vừa đủ để tôn vinh vẻ đẹp của các cô gái, nhưng cũng vừa trình diễn được nét đẹp về bản sắc văn hóa của trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc Sa Pa, Lào Cai nói riêng và Tây Bắc nói chung”.
Giữ gìn và bảo vệ trang phục truyền thống dân tộc là nhiệm vụ quan trọng được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm và chú trọng, để hạn chế tối đa việc đánh mất trang phục, tiếng nói, phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào trong xu thế hiện nay. Gần đây, dư luận đã có nhiều luồng thông tin về việc du khách đến các điểm du lịch tại Sa Pa sử dụng những trang phục và cổ phục không phải là trang phục truyền thống mang sắc thái văn hóa bản địa. Tỉnh Lào Cai, trong đó, ngành Văn hóa – Thể thao, ngành Du lịch cũng như chính quyền thị xã Sa Pa đã vào cuộc quyết liệt trong việc tuyên truyền, định hướng để người dân, những cá nhân, doanh nghiệp làm du lịch tại Sa Pa có nhận thức rõ hơn trong việc giữ gìn, bảo tồn và tôn vinh văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Bên cạnh thực hiện bảo tồn giá trị văn hóa về trang phục của các dân tộc địa phương thông qua công tác phục dựng, bảo tồn về trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, ngành Văn hóa cũng tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng để người dân nâng cao ý thức trong việc tôn vinh giá trị văn hóa từ các trang phục truyền thống, hạn chế tối đa hình ảnh trang phục ngoại lai làm mất đi hình ảnh truyền thống văn hóa của địa phương” – ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Lào Cai nhấn mạnh.