Việt Nam là quốc gia nằm trong top có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến.
Dựa trên số liệu thu thập từ một số tổ chức uy tín trên thế giới và kết quả điều tra từ khoảng 11.000 cá nhân người tiêu dùng và gần 10.000 doanh nghiệp, báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) công bố mới đây cho thấy, Thương mại Điện tử Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD). Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020 và 16,4 tỷ USD năm 2022. Với doanh thu đạt tới 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C chiếm khoảng 7,8- 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Trong khi đó, báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company cho thấy, Việt Nam là quốc gia nằm trong top có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến.
Dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024, có thể đạt 650.000 tỷ đồng, trong đó, 5 sàn Thương mại Điện từ hàng đầu Việt Nam có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.
Đáng chú ý, thị trường Thương mại Điện tử tại Việt Nam đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ cho thị trường bao gồm: dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, hệ thống thanh toán trực tuyến an toàn, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát…
Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Điều này là nền tảng để Thương mại Điện tử có thể tiếp tục phát triển trong năm 2024.
Tuy vậy, những vấn đề liên quan đến đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics Thương mại Điện tử chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến…. vẫn là những bài toán cần tìm thêm phương án của Thương mại Điện tử Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Để Thương mại Điện tử phát triển bứt phá hơn nữa trong năm 2024 và những năm tiếp theo, các chuyên gia cho rằng, cần sự chung tay của các bộ ngành đưa ra nhiều chiến lược và giải pháp tổng thể nhằm thúc đẩy Thương mại Điện tử phát triển hướng đến các mục tiêu như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển Xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua các nền tảng Số.
Nhiều thương hiệu Việt đã chinh phục khách hàng quốc tế.
Với cùng định hướng đó, Trung tâm Tin học và Công nghệ Số (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số) đã và đang triển khai các giải pháp như: Hệ thống Truy xuất nguồn gốc xuất xứ (Truyxuat.gov.vn) nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử; Mô hình Flagship Store – Gian hàng địa phương trên các Sàn Thương mại Điện tử nhằm cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương phân phối các sản phẩm địa phương thông qua nền tảng Số, thu hẹp khoảng cách vùng miền.
Ngoài ra, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua Thương mại Điện tử xuyên biên giới-Go Export nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và xuất khẩu thành công các sản phẩm trong nước qua nền tảng Thương mại Điện tử lớn trên thế giới…
“Thương mại Điện tử những năm qua đã đang khẳng định vai trò quan trọng trong nền Kinh tế Số tại Việt Nam. Bằng những giải pháp, chiến lược phù hợp của các cơ quan quản lý, cùng sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp để tận dụng cơ hội, vượt qua những thử thách của thị trường, Thương mại Điện tử hứa hẹn không chỉ tiếp tục phát triển nhanh chóng mà còn hướng tới phát triển bền vững trong tương lai,” đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho hay.
Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của Kinh tế Số chiếm từ 20-25%, mức tăng doanh số bán lẻ Thương mại Điện tử đạt 20-25%, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận hệ Sinh thái Số đạt 50%, 70% doanh nghiệp công nghiệp ứng dụng Chuyển đổi Số. Điển hình như ngành năng lượng, đã tối đa hóa và tự động hóa mạng lưới điện tử, kết nối đồng hồ đo điện, tăng sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố mạng lưới, tiết kiệm năng lượng…