Hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ đã dầm mình trong mưa lũ để bảo vệ, hỗ trợ, di dời tài sản cho người dân mà không quản nhọc nhằn, hiểm nguy.
Nỗ lực hết mình hỗ trợ đồng bào
Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) hôm 10.9, vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ – nơi cư trú của 37 hộ dân, với 158 nhân khẩu. Tính đến 17h30 ngày 11.9, trận lũ quét đã khiến 34 người tử vong, 17 người bị thương và 61 người mất tích.
Hiện nay, đường vào thôn Làng Nủ bị tắc, đặc biệt là khu vực bị lũ quét, nhân dân bị cô lập hoàn toàn. Ngay đêm ngày 10.9, rạng sáng ngày 11.9, Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 đã có mặt cùng Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong thống nhất phương án tiếp cận hiện trường, mở đường độc đạo đưa bộ đội, phương tiện vào cứu dân.
Tư lệnh Quân khu 2 đã điều động 300 cán bộ, chiến sĩ vào khu vực Phúc Khánh; trong đó 100 chiến sĩ tìm kiếm dọc suối Nủ từ sông Chảy vào; 200 chiến sĩ vào tìm kiếm trực tiếp tại khu vực sạt lở. Ngoài ra, lực lượng công an, quân đội, dân quân của huyện Bảo Yên và tỉnh Lào Cai với khoảng 300 người cùng tham gia tìm kiếm, dẫn đường và cung cấp thông tin.
Những nỗ lực cứu hộ, cứu nạn được các lực lượng triển khai nhanh chóng, khẩn trương nhất, không ngại hiểm nguy để hỗ trợ đồng bào.
Hay trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) ngày 9.9, các lực lượng công an, quân đội đã có mặt ngay lập tức để thực hiện các phương án cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, Binh chủng Công binh đã khảo sát dòng chảy để tiến hành lắp đặt cầu phao khi đủ điều kiện cho phép nhằm bảo đảm việc đi lại, sinh hoạt cho người dân. Trung tướng Phạm Đức Duyên – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 2 – nhấn mạnh: “Đơn vị sẵn sàng phối hợp với Binh chủng Công binh trong việc khảo sát, lắp đặt cầu phao tại chân cầu Phong Châu. Việc này được tiến hành với tinh thần cố gắng cao nhất, trách nhiệm lớn nhất, thi công không quản ngại ngày đêm, ngày nghỉ để sớm hoàn thành lắp đặt cầu phao”.
Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều hành động của các lực lượng chức năng trong việc khẩn trương ứng phó với mưa, lũ để cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh tình hình ngập lụt lan rộng, các lực lượng chức năng như công an, quân đội, và các đơn vị cứu hộ khác đã nhanh chóng vào cuộc, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Ứng phó với tình hình mưa bão, lực lượng công an đã huy động hơn 100.000 người, chuẩn bị hơn 27.000 phương tiện đường bộ, hơn 2.200 phương tiện đường thủy và hàng nghìn thiết bị chuyên dụng khác nhằm cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra, sớm ổn định cuộc sống.
Bộ đội Biên phòng đã điều động hơn 3.100 cán bộ, chiến sĩ, hơn 220 phương tiện, phối hợp các địa phương, lực lượng chức năng ứng phó với bão số 3. Sau bão, các đơn vị điều hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm lượt phương tiện phối hợp cơ quan chức năng khắc phục hậu quả.
Và cũng đã có những sự quên mình, hy sinh trong bão lũ của lực lượng chức năng trong khi làm nhiệm vụ. Đó là sự hy sinh của Đại úy Nguyễn Đình Khiêm (sinh năm 1997), Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513, Quân khu 3, Bộ Quốc phòng. Đại úy Nguyễn Đình Khiêm đã có hành động dũng cảm, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ phòng, chống cơn bão số 3 năm 2024 tại xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Đó là sự hy sinh của Trung tá Trần Quốc Hoàng (sinh năm 1987) – là cán bộ trại giam Quảng Ninh, thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Bộ Công an). Trong khi thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho phạm nhân và Phân trại số 2 trong tình huống khẩn cấp, anh đã bị nước lũ chảy xiết cuốn trôi.
Dù khó khăn, vất vả nhưng hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an vẫn đang không quản ngày đêm, bất kể mưa lũ, khẩn trương thực hiện di dời người dân khỏi những khu vực có nguy cơ sạt lở và ngập lụt nghiêm trọng, hỗ trợ lương thực và nước uống cho những người bị ảnh hưởng. Tất cả vì bình yên của nhân dân.
Và những hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, dân quân tự vệ ngày đêm cứu hộ, cứu nạn, giúp người dân trong bão lũ đã nhận được nhiều tình cảm của người dân.
Tinh thần kiên cường vượt qua khó khăn
Trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ toàn quân và dân quân tự vệ cả nước trong việc giúp đỡ nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Đại tướng Phan Văn Giang – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – đã khẳng định: Với tinh thần “tính mạng con người là trên hết, trước hết”, “ở đâu có khó khăn, hiểm nguy, ở đó có bộ đội” và phương châm “4 tại chỗ”; các đồng chí vừa duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu vừa tổ chức lực lượng, phương tiện, kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, xung kích đi đầu trong phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, giúp nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Trong Công điện của Bộ Công an về tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, Bộ Công an đã nêu rõ yêu cầu Giám đốc Công an các địa phương phối hợp tổ chức công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần chủ động trước để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của người dân và Nhà nước; Triển khai mọi phương án hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, bánh mỳ, sữa, nước uống, hàng cứu trợ… đến tận tay người dân vùng còn bị chia cắt, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở, tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở; xử lý vệ sinh, môi trường phòng, chống dịch bệnh.
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – cho rằng, những hành động, nỗ lực cứu nạn, cứu hộ của lực lượng chức năng và hoạt động hỗ trợ của đồng bào cả nước không chỉ là hình ảnh đẹp, mà còn là biểu tượng của tình người ấm áp, sâu nặng trong lòng dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
Những nghĩa cử ấy không chỉ là sự giúp đỡ trong lúc nguy nan, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết, khẳng định rằng người Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ nhau trong mọi hoàn cảnh. Mỗi hành động, dù lớn hay nhỏ, đều lan tỏa cảm hứng, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái trong xã hội. Điều đó thể hiện sự đồng lòng, sức mạnh của cộng đồng và tinh thần kiên cường vượt qua khó khăn.
Trong bão lũ, tình đồng chí, nghĩa đồng bào đã một lần nữa khẳng định giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của các lực lượng cứu hộ, cùng sự chung tay của cộng đồng, đã mang lại hy vọng và niềm tin cho những người dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ. Chính trong hoạn nạn, tinh thần đoàn kết và sự sẻ chia càng trở nên mạnh mẽ, để từ đó, chúng ta thêm tự hào về một dân tộc Việt Nam kiên cường, giàu lòng nhân ái.
Triệu vòng tay hướng về đồng bào bị thiệt hại do bão lũ
Bão lũ gây ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề tại nhiều các tỉnh khu vực phía Bắc.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, với tinh thần tương thân tương ái bao đời nay vẫn là hình ảnh đẹp của người dân Việt Nam, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài nước cùng chung tay chia sẻ với đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt… để sớm ổn định cuộc sống.
Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng xin chân thành cảm ơn tình cảm quý báu của các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng, số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232756. Số tài khoản (STK): 113000000758 tại Vietinbank Chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội. STK: 0021000303088 – tại Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội, STK: 12410001122556 – tại BIDV – Chi nhánh Hoàn Kiếm.
Hoặc quét mã QR sau:
Xin vui lòng chuyển khoản ghi rõ nội dung ủng hộ.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tinh-dong-chi-nghia-dong-bao-1393229.ldo