Chính sách này áp dụng với cả gạo trong và ngoài hạn ngạch. Quyết định này nhằm tạo thuận lợi cho các nhà nhập khẩu gạo và đưa gạo về mức giá phù hợp với số đông.
Đây là tin vui cho gạo Việt Nam. Bởi, theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, nhập khẩu gạo của Philippines từ đầu năm 2024 đến ngày 23/5 đạt gần 2 triệu tấn, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, gạo Việt Nam chiếm đến gần 73% thị phần. Đứng thứ hai là gạo Thái Lan đạt 300.227 tấn, tiếp theo là gạo Parkistan đạt 144.834,5 tấn, còn gạo Myanmar đạt 65.080 tấn.
Còn theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 tháng đầu năm, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 45,9% thị phần xuất khẩu, khi đạt 1,49 triệu tấn và kim ngạch 935,6 triệu USD, tăng lần lượt 15,9% về lượng và 44,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Chuyển gạo lên tàu để xuất khẩu.
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thị trường Philippines ưa chuộng các loại gạo DT8 và OM5451 của Việt Nam vì ngon cơm và giá cả phù hợp.
Cũng liên quan đến xuất khẩu gạo, ngày 4/6, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dẫn nguồn từ Oryza White Rice Index cho thấy giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện chỉ còn 573 USD/tấn, giảm 1 USD/tấn so với một ngày trước đó; trong khi gạo Thái Lan lại tăng 2 USD, lên 622 USD/tấn; gạo Pakistan 587 USD/tấn, giảm 6 USD/tấn.
Như vậy, giá gạo Việt Nam loại 5% tấm đang thấp nhất trong số các nước xuất khẩu chính và thua gạo Thái Lan đến 49 USD/tấn. Trong khi năm ngoái, gạo Việt Nam thường xuyên giữ giá cao nhất thế giới do chất lượng được cải thiện đáng kể. Lúc cao điểm, giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan đến 90 USD/tấn (tháng 11/2023).
Việc một số doanh nghiệp gạo Việt Nam trúng thầu xuất khẩu gạo cho Indonesia với giá thấp nhất trong các đơn vị dự thầu đã phần nào ảnh hưởng tới giá gạo của Việt Nam.
Trong khi đó, thương mại gạo thế giới đang chờ đợi thông tin từ nước xuất khẩu gạo lớn nhất là Ấn Độ. Nếu nước này mở cửa xuất khẩu trở lại, mặt bằng giá gạo toàn cầu có thể bị ảnh hưởng.