Chế biến tôm xuất khẩu ở nhà máy của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú.
Xuất khẩu thủy sản đầu năm 2024 đã có tín hiệu lạc quan hơn với kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành thuỷ sản vẫn gặp rất nhiều thách thức khi cầu thị trường chưa ổn định và giá cước vận tải biển tiếp tục tăng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 2/2024 ước đạt 564 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Mức sụt giảm này vẫn là con số tích cực vì tháng 2 năm nay có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ đều tăng 37% so với cùng kỳ, trong khi cá tra cá tra tăng 15% và cá các loại khác tăng 8%.
Bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm cho biết đến hết tháng 2, kim ngạch xuất khẩu tôm các loại đạt xấp xỉ 460 triệu USD. Xuất khẩu tôm có tín hiệu khả quan ở nhiều thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia…
Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu đang hồi phục tốt, trong khi nước xuất khẩu cạnh tranh là Ecuador đang bị cảnh báo bởi tôm có chất sulfit và vấn đề cước vận tải tăng do căng thẳng Biển Đỏ cũng khiến cho nhập khẩu tôm Ecuador vào Trung Quốc sụt giảm.
Trong tháng 1, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành nhà nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Dự báo, nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong năm 2024 sẽ tăng, tạo thêm cơ hội cho tôm Việt Nam.
Theo bà Kim Thu, đằng sau con số tăng trưởng trong những tháng đầu năm, nhìn vào bức tranh chung của thị trường và ngành tôm năm 2024, đa số doanh nghiệp đều nhìn thấy còn nhiều thách thức và khó khăn làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu.
Một số doanh nghiệp tôm cho biết đơn hàng đầu năm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện vì sức mua của thị trường vẫn yếu.
Vẫn còn những vấn đề như lượng tồn kho nhiều, giá mua thấp, khó cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Ecuador…
Cũng có những doanh nghiệp nhìn thấy tín hiệu khả quan hơn về đơn hàng, nhưng lo lắng về nguồn nguyên liệu vì đang ở thời điểm nghịch mùa, cộng thêm dịch bệnh nên sản lượng tôm thấp.
Lo ngại về nguy cơ bị áp thuế chống trợ cấp cũng là một rào cản đối với nhà nhập khẩu tôm ở Mỹ và các công ty xuất khẩu Việt Nam. Giá chào bán tôm Việt Nam vẫn khá cao so với các nước khác, gây tâm lý e ngại cho nhà nhập khẩu.
Bên cạnh đó, tôm Việt Nam tiếp tục phải cạnh tranh tôm với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung và chu kỳ giảm giá có thể vẫn tiếp diễn tới ít nhất nửa đầu năm 2024.
Vì vậy, các doanh nghiệp đang mong đợi từ Chính phủ và các bộ, ngành những biện pháp bình ổn các chi phí đầu vào cho sản xuất như giá thức ăn nuôi tôm, tăng cường kiểm soát chất lượng con giống; hỗ trợ tích cực các vấn đề liên quan đến thị trường như vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ, tháo gỡ vấn đề hạn ngạch thị trường Hàn Quốc…
Kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng đầu năm 2024 cũng được đánh giá là khá tích cực sau khi liên tiếp sụt giảm trong năm 2023.
Hai tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra thu về 275 triệu USD; xuất khẩu cá tra vào Mỹ và Trung Quốc sẽ là những thị trường có triển vọng phục hồi trong năm 2024 do tồn kho giảm và nhu cầu tiếp tục gia tăng.
Lạm phát “hạ nhiệt,” khả năng chi tiêu tại Mỹ được dự đoán sẽ cải thiện hơn so với trước đó. Thị trường cá tra tại Trung Quốc dự kiến sẽ sôi động hơn nhờ các chính sách hỗ trợ kích thích tiêu dùng của Chính phủ Trung Quốc trong nửa đầu năm 2024.
Dù có những tín hiệu khả quan từ đầu năm song nhìn tổng thể, xuất khẩu thuỷ sản vẫn còn rất nhiều thách thức như tình trạng dư cung, tồn kho nhiều, giá mua thấp, áp lực cạnh tranh lớn, thẻ vàng IUU và vụ kiện chống trợ cấp…
Thêm vào đó, xung đột, căng thẳng Biển Đỏ khiến cước vận tải tăng lên càng làm cho thuỷ sản Việt Nam khó cạnh tranh ở các thị trường xa.
Từ tháng 1/2024, hàng loạt hãng vận tải lớn như Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã gửi thông báo tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ, EU và các nước; thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á-châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.
Cụ thể, cước tàu đi Mỹ/Canada và EU hiện nay đã tăng gấp 2-4 lần (tuỳ tuyến) so với tháng 12/2023.
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Vasep phân tích thêm, một số diễn biến như việc Mỹ và EU cấm thủy sản của Nga, Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản hay Mỹ và EU cảnh báo vấn đề lao động cưỡng bức tại các nhà máy chế biến của Trung Quốc đang phần nào thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ, châu Âu, Nhật Bản tìm kiếm đối tác chế biến, gia công ở Việt Nam.
Theo bà Lê Hằng, những biến động trên vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam nên nhìn nhận lại chiến lược thị trường của mình; trong đó, thị trường nội địa thực sự tiềm năng với dân số 100 triệu người và mức sống đang ngày càng tốt hơn.
Sức mua không chỉ tiềm năng ở các kênh bán lẻ, kênh dịch vụ mà cả ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch…
Chế biến cá tra xuất khẩu ở nhà máy của Tập đoàn Sao Mai (tỉnh Đồng Tháp).
Thị trường xuất khẩu cần được định hình lại, nắm bắt xu hướng mới, không quá lệ thuộc vào những thị trường truyền thống để phải chịu những áp lực cạnh tranh dữ dội và các quy định, rào cản khắt khe.
Ví dụ, Trung Quốc là một thị trường lớn, dân số đông, nhu cầu gia tăng vì tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, vị trí địa lý thuận lợi…
Đất nước này cũng này có nhiều phân khúc thị trường khác nhau có thể tiếp cận đa dạng sản phẩm với các chất lượng và mức giá phù hợp.
Ngoài ra, Việt Nam còn có các cơ hội thị trường khác, như phân khúc thị trường cho hàng khô, đồ hộp cho các khu vực bị ảnh hưởng chiến tranh, lạm phát cao hoặc những thị trường có vị trí gần hơn như các nước ASEAN, giảm những thiệt hại do chi phí vận tải tăng cao…
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Vasep nhận định dù thách thức trước mắt không nhỏ nhưng ngành thuỷ sản Việt Nam vẫn có những cơ hội nhất định. Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã có hàng chục năm nỗ lực củng cố từ vùng nguyên liệu, tài chính, công nghệ chế biến, chứng nhận và chất lượng để thâm nhập các thị trường khó tính nhất như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Đồng thời, đang có thêm cơ hội tiếp cận các thị trường đầy tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, ASEAN…
Nhờ kinh nghiệm thương trường và sự linh hoạt, nhạy bén, doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam vẫn có thể biến “nguy thành cơ,” khai thác và phát triển được các sản phẩm và thị trường phù hợp bối cảnh mới.
Do đó, Vasep kỳ vọng xuất khẩu thủy sản cả năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023, có thể thu về 9,5 tỷ USD.