Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án giao thông và xây dựng hạ tầng được triển khai phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Từ đây cũng phát sinh tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường khiến nhiều công trình chậm tiến độ, tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân nguồn vốn.
Là huyện nghèo, biên giới, từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay, Mường Khương được Nhà nước và tỉnh bố trí nhiều nguồn lực đầu tư để thực hiện các dự án làm đường giao thông nông thôn, đường kết nối liên xã, liên huyện và các dự án hạ tầng như trường, trạm, trụ sở làm việc của các xã… Riêng năm 2023, toàn huyện triển khai thực hiện 73 danh mục dự án, trong đó làm đường giao thông nông thôn có 39 dự án/160 km và tỉnh lộ, quốc lộ có 20 dự án/80 km, còn lại là các dự án xây dựng trường học, trụ sở, công trình thuộc thiết chế văn hóa… Các công trình dự án đều nằm ở các xã vùng cao, biên giới, giao thông cực kỳ khó khăn.
Là doanh nghiệp trúng thầu xây dựng dự án Nhà văn hóa xã Tả Thàng (huyện Mường Khương), Công ty Xây dựng Hiền Hòa đang gặp khó khăn khi tìm nguồn cung vật liệu cát, đá phục vụ thi công các hạng mục, vì trên địa bàn huyện không có đơn vị cung cấp. Công ty phải mua cát tại điểm mỏ ở xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) cách công trình hơn 100 km với giá 200.000 đồng/m3, nhưng cước vận chuyển mất tới 300.000 đồng/m3; còn đá thì phải mua tại điểm mỏ ở xã Bản Cầm (huyện Bảo Thắng), cước vận tải cũng tăng gần gấp đôi so với dự toán.
Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Mường Khương, năm 2023, Mường Khương cần gần 90.000 m3 khối đá (loại 1 x 2 cm) và hơn 50.000 m3 cát. Trong khi đó toàn huyện không có mỏ cát nào và chỉ có 2 mỏ đá công suất 50.000 m3/năm, chỉ cung cấp được 50% khối lượng đá cho các công trình. Vì vậy, nguồn vật liệu xây dựng phải vận chuyển từ các địa phương khác như Bảo Thắng, Si Ma Cai, Bắc Hà về.
“Theo kế hoạch, năm 2024, huyện Mường Khương được phê duyệt 22 dự án đường giao thông và hơn 20 dự án xây dựng cơ bản khác phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, nếu không có phương án cung cấp vật liệu xây dựng thông thường thì tình trạng khan hiếm tiếp tục xảy ra. Các doanh nghiệp vẫn phải mua vật liệu từ các địa phương khác cách chân công trình hàng trăm km. Trong khi đó, tại địa phương, nhiều khu vực có tiềm năng để mở các điểm mỏ khai thác vật liệu xây dựng thông thường. Huyện Mường Khương đã đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét cấp phép một số điểm mỏ khai thác cát, đá và có cơ chế để chủ đầu tư và doanh nghiệp sử dụng nguồn đá tại chỗ” – ông Trung cho biết thêm.
Tương tự là tại huyện Bát Xát. Năm 2023, trên địa bàn huyện triển khai hơn 60 dự án giao thông và xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Năm 2024 dự kiến tiếp tục thực hiện hơn 30 dự án chuyển tiếp từ năm 2023 sang và có hơn 10 dự án xây mới, sửa chữa điểm trường cùng hàng chục dự án xây dựng khác. Do đó, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn rất lớn, trong khi hiện nay, toàn huyện không có mỏ đá mà chỉ có 2 mỏ cát xây dựng được cấp phép với công suất nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu thực tế tại địa phương.
Theo ông Phạm Năng Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát, hầu hết nguồn cát và đá phục vụ thi công các công trình phải mua từ các huyện và thành phố Lào Cai, cự ly vận chuyển xa, trong khi hạ tầng giao thông còn hạn chế dẫn tới chi phí vận chuyển lớn, giá vật liệu tăng từ 2 đến 3 lần, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Để tìm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường, huyện đã rà soát lập bản đồ khu vực có thể mở điểm mỏ và các điểm cung cấp phù hợp đề nghị tỉnh cấp phép khai thác, chế biến…
Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng khan hiếm cát, đá, sỏi không chỉ xảy ra ở Mường Khương, Bát Xát mà còn ở Sa Pa, Si Ma Cai… Khi được hỏi hệ lụy của việc khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường, lãnh đạo một số địa phương và các đơn vị chủ đầu tư các dự án xây dựng của tỉnh đều có chung câu trả lời: Tình trạng này diễn ra phổ biến, nhiều khi muốn mua phải xếp hàng, đã thế giá cũng tăng từ 30% đến 50%. Tiến độ thi công bị ảnh hưởng, dự án phải điều chỉnh giá, đội chi phí đầu tư…
Vấn đề thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường đã quá quen thuộc đối với các địa phương, doanh nghiệp trong khoảng 2 năm trở lại đây, khi nhu cầu vượt xa nguồn cung của các mỏ vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn. Điều này cũng được đặt ra trong nhiều cuộc họp của tỉnh, các ngành liên quan, thậm chí nhiều địa phương đã chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tại kỳ họp HĐND cuối năm 2023.
Khó khăn trong nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường ở các địa phương đã rõ và tiềm năng mở các mỏ khai thác cũng đã được nhìn thấy, nhưng việc tìm giải pháp thực hiện đang là bài toán cần có lời giải.
Theo báo cáo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường, như trong 2 năm qua, trên địa bàn tỉnh, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và giao thông được phê duyệt và triển khai thực hiện nhiều hơn so với các năm trước, nên nhu cầu về vật liệu xây dựng thông thường cũng tăng theo. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh, số mỏ được cấp phép hoạt động không nhiều và chỉ tập trung ở một số ít khu vực.
Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 18 mỏ khai thác khoáng sản đá, cát, sỏi, đất sét làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực, tổng công suất đạt khoảng 2.204.111 m3/năm. Các điểm mỏ chủ yếu tập trung tại các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, trong khi thị xã Sa Pa đang có rất nhiều dự án xây dựng cơ bản thì không có mỏ nào được cấp phép hoạt động. Tương tự, huyện Si Ma Cai cũng không có mỏ hoạt động. Khối lượng vật liệu được các điểm mỏ khai thác chưa đáp ứng được nguồn cung cho các dự án trên địa bàn tỉnh, nên việc mở các điểm mỏ mới và giải pháp khai thác tận dụng vật liệu xây dựng thông thường tại chỗ đang là bài toán đặt ra rất bức thiết.
Theo thông tin từ các địa phương, hiện nay, tiềm năng để mở các điểm mỏ khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vẫn còn dư địa rất lớn. Ví như tại huyện Bát Xát, hiện có 18 khu vực có khả năng mở các điểm mỏ khai thác cát, đá, sỏi… nhưng vì nhiều nguyên nhân mà việc cấp phép hoạt động cho các điểm mỏ này vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hoặc tại huyện Mường Khương có tiềm năng rất lớn mở hàng chục điểm mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, nhưng đến nay mới có 2 mỏ được cấp phép…
Lý giải về nguyên nhân khiến việc cấp phép mỏ khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều hạn chế, ông Hồ Cao Khải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết:
Bên cạnh đó, do đặc thù của các tỉnh miền núi có địa hình dốc, lòng sông, suối hẹp, lượng trữ cát, sỏi ít, trong khi hiện nay các sông, suối đều xây dựng thủy điện chặn dòng nên lũ không thể mang cát, sỏi về hạ lưu. Đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công suất khai thác của các mỏ đã được cấp phép. Ngoài ra, một số mỏ đã được cấp phép nhưng chưa đi vào hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng do liên quan đến giải phóng mặt bằng, hoặc chưa bố trí được bãi tập kết và khu vực phụ trợ khác.
Nhằm đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ cung cấp cho các dự án, xây dựng công trình trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050; rà soát, bổ sung toàn bộ các mỏ vật liệu vào quy hoạch tỉnh, làm căn cứ để tham mưu quản lý, cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.
Đặc biệt, đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo Quyết định 502/QĐ-UBND ngày 26/2/2022. Các khu vực không đấu giá theo danh mục tại văn bản trên được công khai, minh bạch và làm cơ sở để tổ chức thực hiện việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản qua hình thức không đấu giá.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành, địa phương hướng dẫn về quy định và trình tự, thủ tục liên quan đến việc đăng ký khai thác vật liệu xây dựng thông thường (gồm cả đất san lấp) trong phạm vi, diện tích dự án công trình.
Bên cạnh đó, để tiếp tục giải quyết các khó khăn, vướng mắc về việc cấp phép đối với mỏ vật liệu xây dựng thông thường, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ, Quốc hội giải quyết, sửa đổi các quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác cấp phép, như nghiên cứu đưa đất, đá, sỏi, cát ra khỏi danh mục khoáng sản; xem xét bỏ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với vật liệu xây dựng thông thường; có hướng dẫn cụ thể trong việc khai thác vật liệu xây dựng thông thường trong lòng hồ thủy điện, thủy lợi…
Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, các địa phương cũng như sự chủ động của cơ quan chuyên môn, thời gian tới, nhiều điểm mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng sẽ được cấp phép, tạo nguồn cung ứng tại chỗ đáp ứng nhu cầu trong việc triển khai các dự án giao thông và xây dựng hạ tầng.