Như Báo Lào Cai đã đưa tin, sáng 6/9, dưới sự chủ trì của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc hội nghị triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai chiều 6/9 có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Văn Cài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Trong buổi sáng, sau khi Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khai mạc hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo tóm tắt về tình hình tổ chức triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến trước Kỳ họp thứ 5; công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
Chính phủ đánh giá, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện nhằm kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã có chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng pháp luật. Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, cải cách thủ tục hành chính.
Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các Kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết ngay sau khi được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, 41/63 (năm 2022), 28/63 (năm 2023) tỉnh, thành phố cũng đã ban hành văn bản riêng chỉ đạo, hướng dẫn các luật, pháp lệnh mới, xây dựng Kế hoạch triển khai các luật, pháp lệnh.
Từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ 4, trên cơ sở phân công của Thủ tướng Chính phủ, các bộ có nhiệm vụ trình hoặc ban hành theo thẩm quyền 50 văn bản để quy định chi tiết 20 luật, nghị quyết đã có hiệu lực. Tính đến ngày 15/8/2023, đã ban hành 37 văn bản.
Trình bày Báo cáo tóm tắt đánh giá tình hình triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội được thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 và công tác triển khai các luật, nghị quyết, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, thực hiện chủ trương “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống.
Để khắc phục các bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu quả triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững…
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe nhiều tham luận về các nội dung liên quan đến công tác triển khai, thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương…
Thành công của hội nghị sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện “quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả”
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định sau một ngày làm việc tích cực, khẩn trương, toàn bộ chương trình dự kiến của hội nghị đã hoàn thành và kết thúc tốt đẹp. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng với sự đồng hành rất trách nhiệm, chủ động, hiệu quả và giám sát chặt chẽ của Quốc hội, cùng quyết tâm tổ chức thi hành pháp luật một cách nghiêm túc, sáng tạo của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan thông qua việc tổ chức thành công hội nghị triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV hôm nay (6/9) sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện “quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả”, góp phần để công tác triển khai luật, nghị quyết có những chuyển biến rõ nét, đạt nhiều kết quả tốt đẹp hơn trong thời gian, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, sự kỳ vọng và tin tưởng của các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã ban hành 1.010 văn bản, trong đó 23 luật, 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các dự án luật và pháp lệnh, nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được ban hành đã bám sát Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa. Đồng thời rất linh hoạt và sáng tạo, phản ứng nhanh nhẹn trước yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau dịch; đáp ứng từng bước xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định khả thi với mục tiêu là kiến tạo phát triển nhanh, bền vững đất nước và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thử nghiệm, ban hành nhiều nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương và các lĩnh vực nhằm tạo ra sự phát triển đột phá.
“Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật. Xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương trong công tác triển khai thi hành luật và các nghị quyết của Quốc hội. Đối với một số luật mới hoặc phức tạp, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch riêng để triển khai thi hành. Có nhiều giải pháp đổi mới đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật và nghị quyết. Công tác truyền thông chính sách cũng được chú trọng giúp người dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt nội dung các chính sách lớn và quan trọng; nhiều địa phương ban hành văn bản riêng để hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền luật, nghị quyết của Quốc hội…” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá.
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai các luật và nghị quyết, đó là: Một số luật ban hành từ năm 2022 đến nay vẫn chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, nhất là 6 luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 và 1/7/2024 nhưng vẫn chưa có kế hoạch triển khai; tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để; một số văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập cũng chậm được xử lý…
Thực trạng trên ngoài nguyên nhân khách quan, có phần lớn từ nguyên nhân chủ quan, trước hết do người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; vẫn còn tình trạng đùn đẩy, không dám làm, sợ sai, né trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức…
Để đẩy mạnh triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng tại văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong theo dõi, đôn đốc và giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội; chú trọng giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, kể cả về tiến độ và chất lượng văn bản; các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh giám sát công tác thi hành pháp luật, triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội tại địa phương. Chính phủ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành các luật và nghị quyết được Quốc hội thông qua; tập trung hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024 gắn với tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, luật pháp còn lại của cả nhiệm kỳ…