Các đồng chí: Hứa Tân Hưng, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; Lưu Thị Sim, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; Nguyễn Thị Vân Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh đồng chủ trì tọa đàm.
Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát, huyện Bảo Thắng; giảng viên đang công tác tại Trường Chính trị tỉnh.
Theo báo cáo tại tọa đàm, từ khi thực hiện Đề án số 02-ĐA/TCT đến nay, Trường Chính trị tỉnh đã cử 10 giảng viên đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn (từ 3 đến 6 tháng) ở một số xã, phường thuộc thành phố Lào Cai và huyện Bát Xát, Mường Khương, Bảo Thắng.
Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thực tế có kỳ hạn tại cơ sở, các giảng viên được cấp ủy đảng, chính quyền phân công nhiệm vụ cụ thể; tham gia, quan sát các hoạt động của cấp ủy đảng, chính quyền; trực tiếp tham dự một số hội nghị của cấp ủy đảng, kỳ họp của HĐND, phiên họp của UBND xã, các cuộc họp ở thôn, tổ dân phố, các buổi sinh hoạt của MTTQ và các đoàn thể cơ sở. Các giảng viên chủ động, tích cực tìm hiểu hoạt động phát triển kinh tế – xã hội ở cơ sở, đến địa bàn khu dân cư, khu vực sản xuất, kinh doanh ở cơ sở để tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương, tham dự hoạt động, sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại địa phương.
Sau thời gian đi thực tế, các giảng viên tích lũy thêm những kiến thức, bổ sung tư liệu thực tế phong phú, sinh động phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học; rèn luyện cho giảng viên những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về quản lý, điều hành, xử lý tình huống, tiếp công dân. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý và thúc đẩy sự phát triển bền vững ở cơ sở…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu nêu ra những thuận lợi, khó khăn của giảng viên khi tham gia nghiên cứu thực tế có kỳ hạn, xây dựng và thực hiện kế hoạch nghiên cứu thực tế có kỳ hạn; hiệu quả của việc nghiên cứu thực tế có kỳ hạn; vai trò của các khoa, phòng đối với hoạt động nghiên cứu thực tế có kỳ hạn, đồng thời đề xuất, kiến nghị một số nội dung để phát triển đề án, góp phần thực hiện tốt công tác phát triển nguồn nhân lực của trường.
Bên cạnh đó, tọa đàm đã dành nhiều thời gian đánh giá công tác phối hợp, quản lý giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại các địa phương.
Phát biểu bế mạc tọa đàm, đồng chí Hứa Tân Hưng, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh đánh giá cao các ý kiến của giảng viên, lãnh đạo các địa phương có giảng viên tham gia nghiên cứu thực tế có kỳ hạn. Đồng thời khẳng định, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp và chỉnh sửa các ý kiến để xây dựng thành kỷ yếu, góp phần điều chỉnh các quy định của Đề án 02 cho phù hợp với tình hình thực tế và phát huy hiệu quả cao nhất trong thời gian tới.
Tọa đàm được tổ chức là dịp để cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh đánh giá quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 02, những ưu điểm, hạn chế, khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn tại cơ sở. Qua đó, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên trong đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.