Lào Cai là một tỉnh vùng cao, biên giới ở phía Bắc của Việt Nam, có vị trí địa lý đặc biệt với mạng lưới giao thông đa dạng, là tỉnh nằm giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc, Lào Cai có vị trí chiến lược trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” và tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, là con đường ra biển ngắn nhất, hiệu quả nhất của hàng hoá từ thị trường Vân Nam – Trung Quốc đến với thị trường Đông Nam Á, Đông Á và ngược lại. Lào Cai có điều kiện tự nhiên đa dạng, khí hậu ưu đãi để trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế, lượng du khách đạt trung bình trên 5 triệu lượt khách, lượng khách du lịch đến Lào Cai giai đoạn 2010-2020 dẫn đầu khu vực Tây Bắc; kinh tế du lịch đã đóng góp 15% tổng GRDP của cả tỉnh. Dự kiến đến năm 2030, Khu du lịch Quốc gia Sa Pa với tuyến cáp treo đạt 02 kỷ lục Thế giới cùng với Khu nghỉ dưỡng Quốc tế Y Tý đang được đầu tư sẽ đưa Lào Cai đón 15 triệu du khách và nguồn thu từ du lịch chiếm 25% – 30% GRDP.
Lào Cai có thế mạnh lâu dài về phát triển công nghiệp chế biến gắn với hoạt động khai khoáng, với trên 35 loại khoáng sản, 150 điểm mỏ có trữ lượng lớn, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 của Lào Cai đã đạt trên 40.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân trên 20%/năm, trong đó:
Quặng apatit có trữ lượng trên 2,5 tỷ tấn, quặng đồng có trữ lượng trên 100 triệu tấn, hàng đầu Đông Nam Á. Tổ hợp nhà luyện đồng công suất 30.000 tấn /năm đã đáp ứng 25% nhu cầu trong nước, giúp ngành công nghiệp giảm gần 300 triệu đô-la nhập khẩu nguyên liệu. Ngoài ra, Nhà máy cán kéo đồng hiện đại nhất Đông Nam Á công suất 60.000 tấn sản phẩm dây cáp điện/năm xuất khẩu sang thị trường Châu Âu khởi công trong tháng 3/2022. Quặng sắt trữ lượng trên 120 triệu tấn với mỏ sắt Quý Sa lớn thứ 2 Việt Nam là nguồn nguyên liệu cho Nhà máy Gang thép Lào Cai (công suất dự kiến đạt 1.000.000 tấn/năm) đang cung cấp phôi thép cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, Lào Cai cùng với Lai Châu có trữ lượng đất hiếm lớn nhất cả nước, là loại khoáng sản giữ vai trò chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật công nghệ cao của Thế giới.
Lào Cai có điều kiện để thực hiện vai trò đầu mối thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các tỉnh trong vùng và tỉnh Vân Nam-Trung Quốc, đây chính là lợi thế lâu dài để Lào Cai trở thành cửa ngõ tin cậy và là điểm trung chuyển hàng hoá quan trọng trên tuyến hành làng kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng – Quảng Ninh.