“Ghế nóng” của tuyển Việt Nam hiện nay đang bỏ trống sau trận thua tuyển Indonesia tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026 trên sân Mỹ Đình, HLV Philippe Troussier buộc phải ra đi.
Người hâm mộ đang chờ đợi vào sự lựa chọn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho vị trí thuyền trưởng của tuyển Việt Nam cho các mục tiêu lâu dài.
Tiêu chí nào là quan trọng?
Theo thông tin từ VFF, tân HLV trưởng tuyển Việt Nam sẽ được ký hợp đồng vào trước tháng 6 tới, để HLV mới có thời gian làm quen với đội tuyển Việt Nam, hướng tới kết quả tốt nhất trong hai trận còn lại của vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á.
Dự kiến ban đầu, VFF có thể sẽ sử dụng HLV tạm quyền cho 2 trận của tuyển Việt Nam gặp tuyển Philippines và tuyển Iraq trong tháng 6. Đây là phương án có thể chấp nhận được khi thời gian không còn quá nhiều cho VFF để tìm ra vị thuyền trưởng chất lượng và phù hợp.
Liên đoàn bóng đá Việt Nam đang tìm người thay thế vị trí HLV Philippe Troussier.
Trong quá khứ, VFF từng làm điều tương tự, mời HLV Mai Đức Chung nắm tạm quyền khi chưa ký được hợp đồng với HLV ngoại. Công cuộc tìm kiếm HLV trưởng tuyển Việt Nam của VFF nhận được sự quan tâm đặc biệt từ giới truyền thông và người hâm mộ. Nhiều tiêu chí đưa ra trước khi lựa chọn là điều VFF và Hội đồng HLV quốc gia phải làm. Trong đó, tiêu chí cho tân HLV trưởng là phải có uy tín, trình độ chuyên môn cao và phù hợp với bóng đá Việt Nam.
Bên cạnh đó, yếu tố về tài chính chiếm quyết định không nhỏ trong việc lựa chọn HLV tuyển Việt Nam. Được biết, số tiền để chi trả lương cho HLV tuyển Việt Nam nằm ở ngưỡng khoảng 50.000 – 60.000 USD/tháng, điều này đồng nghĩa phải chọn lọc và có được số lượng HLV ứng viên nhất định. VFF đã nhận được khoảng 10 hồ sơ ứng tuyển từ các nhà cầm quân trên khắp thế giới, trong đó nhiều nhất là các HLV châu Âu và châu Á.
Sau khi chia tay HLV Philippe Troussier, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF Trần Anh Tú khẳng định, VFF sẽ cần nhiều tiêu chí khác nhau để lựa chọn HLV trưởng tuyển Việt Nam: “Các tiêu chí này sẽ giúp cho VFF đánh giá được ứng cử viên có đạt được định hướng của VFF hay không. Về cơ bản, các HLV cần có chuyên môn tốt, hiểu được văn hóa và bóng đá Việt Nam, biết chấp nhận sự khác biệt”.
Trong buổi làm việc gần đây của Thường trực Ban chấp hành VFF cùng Hội đồng HLV quốc gia đã trao đổi về tiêu chí tuyển chọn, có gần 60% thành viên Ban chấp hành VFF muốn thuê HLV người Nhật Bản dẫn dắt tuyển Việt Nam và khoảng 40% còn lại muốn tìm nhà cầm quân gốc Hàn Quốc.
Trong khi đó, gần như không có thành viên nào muốn thuê HLV châu Âu. Tuy nhiên, những nội dung này chỉ dừng lại ở mức trao đổi sơ bộ và chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra. Việc tìm người thay thế HLV Philippe Troussier không thiên về HLV châu Âu hay châu Á, điều quan trọng nhất vẫn là ứng viên phải đáp ứng các tiêu chí được đặt ra của VFF.
Mức lương vừa phải, chuyên môn giỏi và am hiểu bóng đá Việt Nam được đưa ra để tìm HLV trưởng Việt Nam. Câu chuyện quốc tịch, sắc tộc là một yếu tố được tính đến, nhưng điều quan trọng khi lựa chọn vẫn phải là đẳng cấp chuyên môn và kiến thức, tầm nhìn, sự hiểu biết về bóng đá Việt. Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam từng lựa chọn các chiến lược gia như Edson Tavares, Dido, Falko Gotz hay Letard…
Trong đó, các HLV người châu Âu như Karl Weingang, Alfred Riedl (cùng đã mất) và Henrique Calisto đã có những đóng góp lớn trong sự nghiệp phát triển của bóng đá Việt Nam. Họ chính là những người đưa bóng đá Việt Nam từ mức độ rất thấp bước vào bóng đá mang dáng dấp chuyên nghiệp, vươn tầm ra khu vực.
Triết lý lối chơi phù hợp
Bóng đá Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong khoảng 1 thập niên gần đây. Những thành tích tại khu vực Đông Nam Á phần nào khiến Việt Nam thay đổi định hướng, đó là việc vươn tầm châu lục, thậm chí xa hơn là dự World Cup – sân chơi lớn nhất mà bất cứ quốc gia nào cũng hướng đến.
Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, sự thay đổi của bóng đá Việt Nam chưa thể tiệm cận được với World Cup. Vì thế, việc lựa chọn HLV cho tuyển Việt Nam phải có triết lý phù hợp với thể lực và thể hình.
Tuyển Việt Nam gặp khó trước tuyển Indonesia, trận trên sân Mỹ Đình, thuộc vòng loại thứ 2 World Cup 2026.
Khi dẫn dắt tuyển Việt Nam, chiến lược gia Park Hang-seo lựa chọn lối chơi phản công. Đây là điều dễ hiểu khi đa số cầu thủ Việt Nam có phần nhanh nhẹn, khéo léo, tinh thần chiến đấu ngoan cường nhưng lại không đồng đều. Triết lý, lối chơi của HLV Park Hang-seo phù hợp với con người thực tại của bóng đá Việt Nam. Thành tích của tuyển Việt Nam ở các giải khác nhau dưới thời ông Park là minh chứng.
Trong khi đó, lối chơi kiểm soát bóng của HLV Philippe Troussier là có cơ sở, đặc biệt chiến lược gia này tự tin vào sự thay đổi của mình cho bóng đá Việt Nam nhưng nền tảng phát triển cơ bản lại chưa đồng đều, một số ít có nền tảng kỹ thuật cơ bản ở mức ổn định, tư duy chơi bóng hiện đại.
Giấc mơ World Cup không phải câu chuyện của riêng một HLV có thể làm được. Trong thời điểm này, bóng đá Việt Nam vẫn còn cách xa tốp những đội đứng đầu châu Á, thậm chí chưa thể sánh ngang với đại kình địch Thái Lan ở khu vực Đông Nam Á. Cuộc cách tân từ vị trí HLV trưởng tuyển Việt Nam đang được chờ đợi hơn lúc hết nhưng để nuôi dưỡng tình yêu của người hâm mộ, thành tích, chuyện không hề dễ dàng.
Khi tìm ứng cử viên cho vị trí HLV tuyển Việt Nam, chúng tôi sẽ xem xét các tiêu chí liên quan đến cá nhân HLV, chứ không thiên về quốc tịch châu Âu hay châu Á. Chiến lược lâu dài vẫn là phát triển các giải chuyên nghiệp và đẩy mạnh đào tạo trẻ thông qua việc nâng cao chất lượng hệ thống các giải trẻ. Ngoài ra, VFF cũng đang có định hướng để lực lượng của tuyển Việt Nam ngày càng tốt hơn. Bóng đá hiện tại đã không còn giống như trước, các nước khác đã thay đổi, bóng đá Việt Nam cũng cần có sự thay đổi Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú
Báo Kinh tế & Đô thị