Giám đốc Sở Giao thông Vận tải – Nguyễn Quốc Huy cho biết: Hiện, sở đang chuẩn bị hoàn tất công tác đầu thầu, như vậy đến nay các điều kiện pháp lý, nguồn vốn đã đầy đủ để khởi công cây cầu này. Cây cầu không chỉ có ý nghĩa kết nối hạ tầng giao thông Lào Cai – Vân Nam mà còn khẳng định vai trò cửa ngõ giao thương của Lào Cai trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Những cây cầu kết nối giao thương
Những năm đầu tái lập tỉnh muốn sang thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc) chỉ có một đường duy nhất là đi chung với cầu đường sắt Hồ Kiều. Năm 2001, khi cầu đường bộ qua sông Nậm Thi được hoàn thành (cầu Hồ Kiều II), việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập cảnh và đi lại qua cửa khẩu của người dân cũng như khách du lịch mới trở nên rất dễ dàng và thuận lợi, góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) – Vân Nam (Trung Quốc).
Trước xu thế phát triển về thương mại giữa hai nước, đặc biệt của cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu, khi lượng hàng hoá và nhu cầu đi lại qua cửa khẩu ngày càng lớn, đòi hỏi cần có thêm một hướng giao thông mới trong khu vực này của hai nước để Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai thực sự trở thành vị trí cầu nối giữa các địa phương trong nước và quốc tế với vùng Tây Nam Trung Quốc rộng lớn.
Trước tình hình đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lào Cai sớm nhận thấy sự cần thiết của việc xây dựng thêm một cây cầu nối thành phố Lào Cai và thị trấn Hà Khẩu tại một vị trí mới có tầm bao quát, chiến lược và đủ điều kiện để phát triển lâu dài. Từ đây ý tưởng xây dựng cầu biên giới qua sông Hồng giữa hai nước được hình thành.
Được phép của UBND tỉnh và Bộ Giao thông Vận tải, cuộc hội đàm đầu tiên giữa ngành giao thông hai tỉnh (tháng 9/2002), vấn đề xây dựng cầu biên giới qua sông Hồng đã được triển khai. Đến tháng 10/2002, UBND tỉnh Lào Cai chính thức đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng cầu đường bộ bắc qua sông Hồng và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Tổ chuyên gia kỹ thuật xây dựng cầu của hai tỉnh Lào Cai – Vân Nam được thành lập và bước vào đàm phán.
Ban đầu công việc thật sự khó khăn khi quan điểm về vị trí xây dựng cầu của hai bên khác nhau do yêu cầu về quy hoạch và sử dụng. Hai bên đã đưa ra rất nhiều vị trí xây dựng cầu. Nhưng nhiệm vụ của đoàn đàm phán được Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao là phải thỏa thuận được với tỉnh Vân Nam vị trí xây dựng cầu nằm trong khu thương mại Kim Thành. Đây là điểm mấu chốt trong hội đàm. Vì thế trong suốt quá trình đàm phán có những giai đoạn tưởng chừng như đã bế tắc và công trình không thể được xây dựng vì quan điểm của hai đoàn không thống nhất với nhau. Tuy nhiên được sự quan tâm và chỉ đạo hết sức kịp thời của lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh cùng với những nỗ lực của ngành giao thông vận tải, ngày 11/5/2004, Sở Giao thông Vận tải Lào Cai và Ty Giao thông Vân Nam đã ký kết biên bản thống nhất lựa chọn vị trí xây dựng cầu sông Hồng, cầu được xây dựng cách cầu Hồ Kiều II khoảng 3,5 km về phía thượng lưu sông Hồng nằm ở Trung tâm Khu thương mại Kim Thành. Tháng 6/2004, trong chuyến thăm và làm việc tại Lào Cai của Tỉnh trưởng Chính phủ nhân dân tỉnh Vân Nam, lãnh đạo hai tỉnh đã chính thức ký kết biên bản hội đàm với nhiều nội dung hợp tác giữa hai tỉnh, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng mới một cây cầu bắc qua sông Hồng nối hai khu thương mại (Kim Thành và Thương Thành) của hai nước. Chuyến thăm này của đồng chí Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam cũng như các chuyến thăm trước đây của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hữu nghị giữa hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam trên nhiều phương diện. Trong đó có việc lập dự án xây dựng cầu sông Hồng. Qua 10 lần đàm phán hồ sơ thiết kế của công trình đã được hoàn tất và chuẩn bị khởi công xây dựng. Hai nước đã thống nhất xây dựng cầu với quy mô hiện đại. Cây cầu góp phần hình thành cặp cửa khẩu quốc tế sôi động, thúc đẩy kinh tế, giao thương của hai nước.
Tới đây, khi cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực biên giới Bát Xát, Việt Nam – Bá Sái, Vân Nam, Trung Quốc được xây dựng sẽ tiếp tục tạo tiền đề hai bên hiện thực hóa khu hợp tác qua biên giới, từng bước để Lào Cai xứng tầm là “cực tăng trưởng” của vùng trung du miền núi phía Bắc, là “cầu nối’ của cả nước với vùng Tây Nam – Trung Quốc rộng lớn. Tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế giữa hai tỉnh Lào Cai – Vân Nam cũng như của các tỉnh trong hành lang kinh tế Côn Minh – Hải Phòng và của cả hai nước Việt – Trung.
Khai thác tiềm năng tuyến đường sắt liên vận quốc tế
Cùng với tuyến vận tải đường bộ diễn ra sôi động, các chuyến tàu liên vận quốc tế của đường sắt Việt Nam mà Lào Cai là điểm trung chuyển đã góp phần quan trọng thúc đẩy trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế thương mại giữa hai nước Việt – Trung.
Đoàn tàu hàng chuyên tuyến liên vận quốc tế đường sắt Trung Á Hải Phòng – Lào Cai – Sơn Yêu – Khai Viễn được vận hành cuối năm 2017 gồm 16 toa xe với tổng trọng lượng hơn 800 tấn. Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty TNHH Tập đoàn Cục Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc) thống nhất bố trí 450 toa xe của hai bên để tổ chức chạy tàu hàng chuyên tuyến với tần suất chạy 2 đôi tàu/ngày. Hàng hóa vận chuyển đến ga Khai Viễn chủ yếu là mặt hàng lưu huỳnh và tinh quặng kẽm và hàng hóa vận chuyển về ga Hải Phòng chủ yếu là mặt hàng phân bón… Trên hành trình, đoàn tàu dừng lại tại ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Sơn Yêu (Trung Quốc) để làm thủ tục hải quan.
Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn do kinh tế phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên sản lượng vận chuyển hàng hóa qua ga Lào Cai vẫn đạt được kết quả tích cực. Theo đó, ga Lào Cai đã phối hợp với ga Sơn Yêu tổ chức đón gửi 1.202 đoàn tàu an toàn; ước vận chuyển gần 300 nghìn tấn hàng hóa xuất – nhập khẩu.
Ông Ngô Vũ Quang, Trưởng Ga Lào Cai cho biết: Đoàn tàu hàng chuyên tuyến liên vận có ưu điểm về tốc độ, thời gian vòng quay toa xe ngắn. Đoàn tàu chuyên tuyến này giúp việc vận chuyển hàng hóa giữa hai nước được thông thương một cách nhanh chóng, thuận tiện và an toàn, chi phí lại tiết kiệm hơn so với đường bộ.
Hoạt động của tàu liên vận quốc tế góp phần nâng cao sản lượng vận chuyển hàng hóa của thị trường hai nước. Với vai trò cầu nối, ga Lào Cai trở thành điểm trung chuyển quan trọng, vì vậy, khai thác hiệu quả vị trí của Lào Cai trên tuyến liên vận này có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế của tỉnh.
Phía nước bạn cũng đánh giá rất cao tuyến liên vận này, minh chứng cụ thể nhất là trong chuyến thăm chính thức nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 – 1/11/2022, hai bên đã ra “Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc”.
Tuyên bố chung hai lần nhắc đến Lào Cai liên quan đến việc nâng cấp đường sắt liên vận.
Một là, hai bên nhất trí triển khai hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông, sớm hoàn thiện đánh giá Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Hai là, hai bên nhất trí thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng qua biên giới, trong đó tập trung trao đổi thống nhất phương án kết nối đoạn đường sắt giữa Ga Lào Cai (Việt Nam) – Ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).
Nằm trên hành lang kinh tế Đông – Tây nối Côn Minh (Trung Quốc) với Hải Phòng (Việt Nam), tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên (Trung Quốc) với các tỉnh miền Bắc Việt Nam đến cảng biển Hải Phòng.
Hiện nay, việc hợp tác phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa hai nước đang được các bên xúc tiến thực hiện. Phía Trung Quốc, tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn (1.435mm) Côn Minh – Hà Khẩu Bắc đã được nước bạn xây dựng xong và đưa vào khai thác đồng thời cùng tuyến đường sắt khổ 1.000mm Côn Minh – Hà Khẩu hiện có. Trong khi đó, tuyến đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng tuy đã được duyệt trong Chiến lược, Quy hoạch phát triển đường sắt đến năm 2020 – 2030 nhưng vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu. Điều này làm thời gian vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế của hai bên tăng thêm chi phí san tải mà phía Ga Lào Cai cũng không thu được dịch vụ logistic gia tăng.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải – Xây dựng cho biết: Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải – Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề xuất với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai các hạ tầng kết nối giao thông liên vùng và kết nối qua biên giới quan trọng của tỉnh. Trong đó, thống nhất phương án và khởi công xây dựng đường sắt khổ lồng kết nối Ga Lào Cai với Ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); hoàn thành quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; tiếp tục đề xuất đầu tư xây dựng một số công trình cầu qua biên giới phù hợp với Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như: Lũng Pô – Lũng Pô Chải, Hóa Chư Phùng – Seo Pả Chư…