Sáng 15/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, lãnh đạo các ban, bộ, ngành cơ quan Trung ương và địa phương; đại diện các Hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng là những vật liệu thiết yếu để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình dân dụng, công nghiệp, sân bay, bến cảng, các công trình quốc phòng, an ninh; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn…
Phát triển bền vững ngành xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng (VLXD) tại nước ta là một trong những vấn đề hết sức quan trọng, luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Với các chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương; sự tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng đã có sự phát triển vượt bậc trong 10 năm gần đây, trong đó xi măng đã được đầu tư với tổng công suất đạt 122 triệu tấn/năm, đứng tốp đầu thế giới. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay lên đến 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD).
Gạch ốp lát đã được đầu tư với tổng công suất đạt 831 triệu m2/năm. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 100.000 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD).
Sứ vệ sinh đã được đầu tư với tổng công suất đạt 26 triệu sản phẩm/năm. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 25.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).
Kính đã được đầu tư với tổng công suất đạt 5.900 tấn thủy tinh/ngày (tương đương 331 triệu m2 kính/năm), đứng trong nhóm 5 nước có sản lượng lớn nhất Đông Nam Á. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 50.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD).
Vật liệu xây không nung đã đầu tư với tổng công suất đạt 12 tỷ viên/năm. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 12,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD).
Ngành thép (giai đoạn 2011-2022) có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân đạt 14,25%). Sản lượng thép năm 2022 tăng gấp 5 lần so với năm 2011. Đặc biệt giai đoạn 2016-2022, ngành thép đạt tốc độ tăng trưởng rất cao với mức bình quân 27,11%/năm.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước cùng với việc thị trường bất động sản chưa phục hồi dẫn đến sản xuất xi măng, sắt thép và VLXD suy giảm, cụ thể.
Xi măng và clanhke: Tổng sản lượng sản xuất cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế. Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022.
Thép xây dựng: Năm 2023, sản xuất thép xây dựng đạt 10,655 triệu tấn (giảm 12,2% so với năm 2022), tiêu thụ đạt 10,905 triệu tấn (giảm 11,2% so với năm 2022).
Thủ tướng nhấn mạnh, Hội nghị được tổ chức hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng để tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD trong thời gian tới, nhất là đẩy mạnh cung cấp cho các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các công trình quan trọng khác.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD thời gian qua. Trong đó, làm rõ vì sao, tình hình tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD từ năm 2023 đến nay lại sụt giảm lớn, chưa đạt mục tiêu đề ra?
Nhận diện khó khăn, thách thức về sản xuất như chi phí nhiên liệu tăng cao; nguyên liệu khan hiếm, giá thành cao; sức ép về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng tăng; chưa có cơ chế chính sách đột phá hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép và VLXD…
Về tiêu thụ trong nước, thị trường bất động sản trong nước trầm lắng; tốc độ đầu tư xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng, công trình thủy lợi, các công trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai còn chậm; chi phí vận tải tăng cao; cạnh tranh với hàng nhập khẩu…
Về xuất khẩu thể chế, chính sách chưa tạo điều kiện cho xuất khẩu; các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước gia tăng. Về tài chính tài chính, vốn tín dụng của các doanh nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép và VLXD đã được giải quyết như thế nào? Khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới là gì? Cần đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá gì để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD.
Thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, người dân cần làm gì để phát triển bền vững ngành xi măng, sắt thép VLXD tại Việt Nam? Các giải pháp và vai trò, trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành trong giải quyết các điểm nghẽn.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu phát biểu trên tinh thần Hội nghị là tập trung thảo luận, phát biểu thẳng thắn, không tô hồng, không bôi đen, chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được; nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm; những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương.