Thời tiết thay đổi, không khí lạnh tăng cường khiến gia tăng trẻ em mắc các bệnh hô hấp, như viêm phế quản, viêm phổi, viêm họng và đặc biệt là bệnh cúm A.
Thời điểm này, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh tiếp nhận điều trị từ 25 – 30 trường hợp mắc cúm A.
Chị Chảo Seo Mẩy ở thôn Ky Công Hồ, xã Tòng Sành (Bát Xát) chia sẻ: Con bị sốt ở nhà mấy hôm, tôi cho con uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Khi vào bệnh viện, con sốt gần 40 độ C, ho, đau đầu và nôn nhiều. Sau khi bác sỹ khám và làm xét nghiệm đã chẩn đoán con mắc cúm A. Đây là lần đầu tiên con mắc bệnh này nên tôi khá lo lắng.
Cùng phòng bệnh, bệnh nhi Phan Minh Trung, 11 tuổi ở phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) cũng vào điều trị trong tình trạng sốt, nôn, ho có đờm.
Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản – Nhi, nhiều bệnh nhi mắc cúm A còn kèm các mặt bệnh khác, như viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy nên điều trị phức tạp hơn, phải sử dụng kháng sinh. Có bệnh nhi chỉ mới vài tháng tuổi như trường hợp bé Nguyễn Ngọc An Chi, 8 tháng tuổi ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng), sốt 6 ngày không đỡ mới được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng sốt cao 39,4 độ C, đi ngoài phân lỏng. Kết quả các xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi dương tính với vi rút cúm A, viêm phế quản phổi, tiêu chảy cấp.
Bác sỹ Chuyên khoa I, Hoàng Thị Điều, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh chia sẻ: Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị điều trị cúm, chúng tôi áp dụng biện pháp điều trị triệu chứng bệnh. Với những trường hợp bội nhiễm, sau khi khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cho thấy bệnh nhi có tình trạng như viêm phổi, viêm tai, viêm họng, viêm amidan hoặc xét nghiệm máu có nhiễm khuẩn bạch cầu tăng, đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn tăng… thì sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh. Khi thấy con có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi, cha mẹ cần sớm cho trẻ đến khám tại cơ sở y tế để bác sỹ chẩn đoán, tư vấn và kê đơn thuốc. Nhiều phụ huynh tự ý cho con sử dụng thuốc kháng sinh tại nhà dẫn đến tình trạng kháng thuốc, gây khó khăn trong điều trị.
Vi rút cúm gồm 4 loại: Vi rút cúm A, B, C và D. Các loại vi rút cúm thường gặp là vi rút cúm A và B ở người gây ra bệnh dịch theo mùa. Vi rút cúm có khả năng lây lan trực tiếp qua đường hô hấp do người lành tiếp xúc với các giọt bắn của dịch tiết mũi, họng có chứa vi rút do người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Bệnh lây lan nhanh ở những nơi tập trung đông người. Triệu chứng thường gặp của cúm là sốt cao và một số dấu hiệu khác, như ho khan, viêm họng, nghẹt mũi, đau đầu, nôn, tiêu chảy… Các triệu chứng của bệnh cúm sẽ dần khỏi sau khoảng 4 – 7 ngày. Tuy nhiên, cúm cũng có thể gây ra các biến chứng, như viêm phổi, viêm não, viêm màng não, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang…
Để phòng, chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chú trọng vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Trong mùa dịch, cần tránh tập trung nơi đông người. Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ cúm, như sốt, ho, sổ mũi,… người dân nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và xác định bệnh; vệ sinh nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ với dung dịch sát khuẩn thông thường. Tăng cường sức đề kháng bằng cách tập thể dục, chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý.
Hiện nay, do ảnh hưởng của thời tiết lạnh, những người có sức đề kháng kém, như trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính… dễ lây nhiễm cúm. Bởi vậy, để phòng bệnh cúm chủ động, người dân nên đến các phòng tiêm chủng vắc-xin dịch vụ để tiêm vắc-xin phòng cúm đầy đủ và đúng lịch.
4 loại vắc-xin cúm đang được sử dụng tại Việt Nam gồm: Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc) và Ivacflu-S (Việt Nam). Sau khi tiêm các loại vắc-xin, người dân có thể xuất hiện các phản ứng không mong muốn, như sốt nhẹ, khó chịu, sưng tại chỗ tiêm, đau cơ… Các triệu chứng này sẽ tự khỏi trong 1 – 2 ngày mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.