Sáng 29/12, UBND thị xã Sa Pa tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở thị xã Sa Pa”.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nguyên nhân dẫn đến khó khăn, hạn chế trong công tác giảm nghèo như: nhiều hộ thoát nghèo, cận nghèo nhanh nhưng thiếu bền vững, cuộc sống vẫn còn khó khăn; giải pháp sinh kế để thoát nghèo chưa bền vững; hạn chế về cơ sở hạ tầng, nguồn vốn đầu tư và quy hoạch sản xuất nông – lâm nghiệp, một số vùng chưa ổn định; tình trạng thiếu việc làm chiếm tỷ lệ còn cao; đào tạo ngành nghề chưa gắn nhu cầu lao động của xã hội; tính lan tỏa trong truyền thông giảm nghèo còn hạn chế, nhiều mô hình hay chậm được nhân rộng, phát huy.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã Sa Pa đã được các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị ở cơ sở đồng bộ, vào cuộc chung tay thực hiện. Qua đánh giá, đời sống của các hộ nghèo từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo của thị xã vẫn còn 20,69%, số hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 11,96%, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Vẫn còn hộ tái nghèo, tái cận nghèo; số hộ thoát nghèo chuyển cận nghèo còn cao chiếm trên 600 hộ; số hộ nghèo (từ 3 năm trở lên) chiếm trên 80% chủ yếu hộ nghèo là người dân tộc thiểu số.
Các đại biểu cũng chia sẻ cách làm hay, hiệu quả, giải pháp giảm nghèo như: đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước; khuyến khích, phát triển nhiều hình thức đào tạo nghề cho hộ nghèo, giải quyết việc làm, giới thiệu việc làm cho lao động sau đào tạo, lao động tự do…
Thông qua Hội thảo, giúp các cấp, ngành, địa phương nhìn rõ hơn về thực trạng và khó khăn trong công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã, từ đó tìm ra cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả giúp công tác giảm nghèo đi vào thực chất, hiệu quả và bền vững.