TP – Bão số 3 kèm theo cơn lũ dữ đã cuốn đi trường lớp, nhà cửa và sinh mạng của nhiều học sinh… Nhưng vượt lên tất cả, thầy cô gắng gượng động viên nhau phải vững vàng, mỗi ngày đến lớp, quan tâm từng học sinh, nhất là các em thiệt thòi.
Vượt qua nghịch cảnh
Đến giờ cô Lương Thị Trang, giáo viên Trường Mầm non Tân Dương, huyện Bảo Yên (Lào Cai), vẫn chưa hết bàng hoàng. Ngôi nhà thân yêu, nơi cả gia đình sinh sống ấm êm ở thị trấn phố Ràng đã bị cuốn trôi.
Cô Trang kể, sáng 9/9, khi cả nhà vừa thức giấc đã thấy nước lũ dâng tứ bề. Gửi con sang bà ngoại, cô và chồng chạy vội đến nơi nước ngập sâu hơn để hỗ trợ những gia đình khác cứu đồ. Khi quay lại, ngôi nhà cấp 4 của gia đình cùng toàn bộ đất đai, tài sản đã bị cuốn trôi.
“Tôi bàng hoàng, bật khóc. Mất nhà đúng ngày sinh nhật của con trai. Hôm đó con hỏi, mẹ ơi mình tổ chức sinh nhật ở đâu mà không biết phải nói với con thế nào”, cô Trang nhớ lại.
Phút chốc rơi vào cảnh trắng tay nhưng không hề gục ngã, cô Trang tự trấn an mình phải gác lại nỗi lo của bản thân để tiếp tục công việc dạy dỗ, chăm sóc trẻ thật tốt. Cô cùng các thầy cô giáo xắn tay vào dọn dẹp trường lớp, rà soát các gia đình học sinh chịu ảnh hưởng, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ để các em vơi bớt khó khăn. Nhờ đó, việc dạy không bị ngắt quãng, học sinh đã có những bữa ăn đầy đủ.
Thầy cô các trường học ở huyện Bảo Yên (Lào Cai) dọn dẹp trường lớp sau bão số 3 |
Hiện cả gia đình 4 người của cô Trang vẫn ở nhờ nhà chị gái của chồng. Từ 1/7, Nhà nước điều chỉnh chế độ tiền lương, thu nhập của giáo viên mầm non tạm ổn nhưng cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống, lo học hành cho hai con. Chồng cô Trang làm công việc tự do, thu nhập bấp bênh. Nghĩ về tương lai, cô không khỏi lo lắng lấy tiền đâu để mua đất, dựng lại mái nhà.
Từ nhỏ đã mơ ước trở thành cô giáo dạy Ngữ văn, tốt nghiệp THPT, cô thi ĐH nhưng năm đầu tiên không trúng tuyển. Cô đã khăn gói về Hà Nội làm thêm kiếm tiền để luyện thi với quyết tâm theo đuổi ước mơ. Muốn con ở gần nhà, mẹ cô Trang đã gọi về học trung cấp sư phạm mầm non. Tốt nghiệp năm 2010, cô Trang gắn bó với nghề đến nay đã gần 15 năm.
“Dạy mầm non vất vả hơn các bậc học khác vì trẻ còn nhỏ. Tất cả các việc vệ sinh, ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt đều cần tới sự chăm sóc, hướng dẫn của cô. Lắm lúc rất mệt nhưng cứ nhìn thấy nụ cười, ánh mắt thơ ngây của trẻ mình dường như quên hết mọi vất vả. Càng làm nghề càng thấy say sưa, gắn bó”, cô trải lòng.
Người cha, người mẹ thứ hai
Đến giờ, mỗi khi nhớ lại thảm họa sạt lở đất ở thôn Làng Nủ, thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường TH-THCS số 1 Phúc Khánh (Lào Cai), vẫn không cầm được nước mắt. 13 học sinh của trường đã mãi mãi dừng lại tuổi học trò hồn nhiên. Thầy kể, xuống Làng Nủ, chứng kiến cảnh bùn đất sình lầy, thầy đã nhanh chóng quyết định đón tất cả trẻ ở điểm trường lẻ về điểm chính để lo cho các em.
Điểm trường chính trước đó có chừng 100 học sinh, đón thêm hơn 100 em về, sinh hoạt vốn đã khó khăn nay càng thiếu thốn tứ bề. Những phòng học chức năng tạm thời được bố trí thành nơi ăn ở. Trong những ngày biến động đó, thầy Vinh yêu cầu các thầy cô giáo ngoài dạy học phải sắm vai người cha, người mẹ thứ hai của học trò để động viên, an ủi học sinh chịu cảnh mất mát người thân. Thầy đến từng lớp trò chuyện, truyền động lực giúp các em vượt qua nghịch cảnh, cố gắng học tập để lớn lên trở thành những người có ích cho xã hội.
20/11 năm nay, niềm vui Ngày nhà giáo với cô Lương Thị Trang không trọn vẹn bởi đến nay, gia đình cô vẫn chưa có mái nhà che mưa, che nắng. Cô mong muốn, giáo viên mầm non được quan tâm nhiều hơn nữa để các cô yên tâm cống hiến với nghề.
Thầy Vinh cho biết, đến thời điểm này, hoạt động dạy học đã đi vào nền nếp. Điểm trường ở Làng Nủ sẽ được hồi sinh ở một nơi mới với 2 lớp học dành cho học sinh lớp 1, lớp 2. Hai học sinh bị thương nặng phải điều trị ở Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai đã ra viện, quay lại trường học. “Riêng Bảo, học sinh lớp 2, mồ côi cả cha lẫn mẹ, khi quay lại trường, con trầm buồn, ít nói, ít cười hơn. Hôm trước, thầy xin ông bà cho xuống thị trấn chơi, thăm anh Phúc (anh trai Bảo), con chần chừ một lúc mới đồng ý đi”, thầy Vinh kể.
Cô Lê Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai), nói rằng, dịp này, nhà trường, thầy cô cùng học sinh đang say sưa tập luyện văn nghệ để chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. “Bão lũ, mất mát xảy ra, nhà trường và các thầy cô đã nhanh chóng quay lại dạy học để các bậc phụ huynh yên tâm làm công việc của mình”, cô Liên nói.
Trong chuyến từ thiện, trao sổ tiết kiệm cho học sinh mồ côi do báo Tiền Phong tổ chức tại huyện Bắc Hà (Lào Cai) hồi tháng 10, cô Liên có mặt, buồn bã vì trường có trẻ mồ côi “được nhận sổ”. Cô kể, bão lũ ập về khiến các điểm trường ngập ngụa bùn đất, có nơi hư hỏng hầu hết tường rào, bếp, nhà vệ sinh. Trường có 243 em thì hàng chục em ở điểm trường lẻ phải theo gia đình di dời vì ở trong khu vực có nguy cơ sạt lở. Một số thầy cô có nhà cửa bị ngập, một giáo viên có nhà xây lâu năm khi ngấm nước không còn đảm bảo an toàn, phải đi ở nhờ.
Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng nhà trường, giáo viên đều nỗ lực hết mình dọn dẹp, hỗ trợ học sinh từ điểm lẻ ra điểm chính học tập nhằm đảm bảo an toàn. Có nơi, học sinh phải học ghép nhưng đến nay công tác dạy học ổn định, các con đến trường vui tươi, được ăn bán trú không sót ngày nào. “Điều may mắn là nhà trường có đội ngũ giáo viên luôn tâm huyết với nghề, luôn hết lòng vì học trò”, cô Liên nói.