Dù đã được xếp các suất chiếu thương mại vào dịp Tết Nguyên đán tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, nhưng “Đào, phở và piano” (Đạo diễn Phi Tiến Sơn) chỉ thực sự “nóng” lên khi vài ngày sau khi mạng xã hội có nhiều chia sẻ, bình luận, “rủ rê” nhau đi xem phim này. Và “nóng” nhất là thông tin trang web của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia bị sập, do có quá nhiều khán giả truy cập.
Từ đây, “Đào, phở và piano” được khán giả đặc biệt chú ý. Có cầu thì ắt có cung. Từ 3 suất cố định, nhà rạp đã mở rộng biên độ cho phim lên tới gần 20 suất chiếu một ngày, với tỉ lệ lấp đầy phòng vé rất cao. Thậm chí, có cư dân mạng còn kêu lên rằng “săn” được vé phim này còn khó hơn “săn” vé xem concert idol.
Những chi tiết đó cho thấy khán giả đã không quay lưng với một bộ phim tử tế, cho dù bộ phim ấy không bắt “trend”, không có các idol của giới trẻ, đạo diễn không nhiều fan hâm mộ, cũng như không có các kế hoạch truyền thông cho phim ở thời điểm ra rạp.
Mặt khác, cũng có thể nhận ra sức mạnh, khả năng lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội. Những review có tâm đã điểm trúng vào niềm yêu thích dòng phim lịch sử cùng niềm tự hào dân tộc nơi khán giả, đặc biệt là các khán giả trẻ Thủ đô. 60 ngày đêm chiến đấu của quân và dân Hà Nội cuối 1946 đầu 1947 luôn là những trang sử vàng đầy cảm động và kiêu hãnh.
“Đào, phở và piano” nằm trong Kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước. Đến thời điểm này, phim đã thắng lớn, đem tới nhiều bất ngờ cho chính người trong cuộc.
Song từ bộ phim này cũng chưa thể vội vàng bàn đến triển vọng của các phim Nhà nước khi ra rạp thương mại, càng chưa thể lạc quan về chất lượng, sự đột phá của dòng phim này so với thời gian trước.
Có lẽ bây giờ điều đầu tiên cần bàn đến là thủ tục để hoàn thiện hóa quy trình đưa phim Nhà nước chiếu rạp. Sau một hai lần miễn phí, phi lợi nhuận, thì tất nhiên phim phải tuân theo quy luật bán mua giữa đơn vị sản xuất, đơn vị phát hành và nhà rạp.
Nếu chỉ dùng thương hiệu “Nhà nước” để xin/yêu cầu chiếu miễn phí thì cuộc chơi này không thể kéo dài. Đó là còn chưa kể tới công tác truyền thông cho phim để có thể “đánh bại” được các đối thủ ra rạp cùng thời. Việc này vốn nhiều mảng miếng, mà từ thực tế hiệu ứng trên mạng xã hội dành cho “Đào, phở và piano” có thể rút ra được ít nhiều trải nghiệm.
“Đào, phở và piano” là trường hợp may mắn của phim Nhà nước ra rạp trong bối cảnh và thời điểm hiện tại. Nó cho thấy, khi có những hướng đi đúng trong sản xuất và phát hành thì dòng phim này sẽ không còn cảnh làm xong đem về cất kho, lãng phí ngân sách và tiền thuế của dân.