Thanh toán xuyên biên giới chỉ cần điện thoại thông minh có kết nối với ứng dụng ngân hàng (ảnh minh hoạ).
Dễ dàng thanh toán xuyên biên giới
Mới đây nhất, Visa đã hợp tác cùng Tencent và Alipay trao quyền để chủ thẻ Việt Nam liên kết thẻ Visa với ví điện tử Weixin Pay (WeChat Pay) và Alipay – các ví điện tử hàng đầu tại Trung Quốc, để tận hưởng nhiều tiện ích thanh toán như quét mã QR, sử dụng mã thanh toán trực tuyến và thanh toán trong ứng dụng.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết: “Như vậy, người tiêu dùng Việt Nam khi đi du lịch Trung Quốc có thể thanh toán một cách dễ dàng tại hàng triệu cửa hàng ở hơn 400 thành phố của Trung Quốc đại lục, kể cả các điểm bán hàng trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc cũng như trên ứng dụng di động, bao gồm Taobao, Ctrip, Didi, China Railway, 12306…”.
Trước đó, Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng đã liên kết với các ngân hàng mở rộng thanh toán bằng mã QR xuyên biên giới. Theo đó, khách hàng của BVBank, Nam A Bank, Sacombank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, TPBank… có thể thanh toán tại Thái Lan bằng mã QR trên ứng dụng ngân hàng tại các điểm chấp nhận thanh toán bằng mã QR thuộc Công ty Chuyển mạch Thái Lan (NITMX), có biểu tượng Promptpay hoặc logo của ngân hàng tại Thái Lan như Bangkok Bank, SCB Bank, KasikornBank, Krung Thai Bank, BAY. Giá trị giao dịch được quy đổi từ bath Thái sang tiền đồng theo tỷ giá quy định tại thời điểm thanh toán.
Đại diện NAPAS cho biết, kết nối thanh toán bán lẻ sử dụng mã QR giữa Việt Nam và Thái Lan là một phần trong khuôn khổ hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Ngân hàng trung ương Thái Lan, trong đó NAPAS và NITMX làm trung gian liên thông. Hiện các ngân hàng khác đang xúc tiến hoàn tất các kết nối hệ thống với NAPAS và NITMX để sớm áp dụng thanh toán xuyên biên giới.
Người Việt dễ dàng thanh toán xuyên biên giới tại hàng trăm địa điểm, cửa hàng tại Trung Quốc bằng mã QR. Ảnh: minh hoạ
Không chỉ Thái Lan, mới đây, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị song phương giữa NHNN Việt Nam và Ngân hàng Quốc gia Campuchia, NHNN Việt Nam và Ngân hàng CHDCND Lào, các bên đã công bố kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng mã QR giữa Việt Nam và Campuchia, Việt Nam và Lào.
Cụ thể, thông qua ứng dụng Bakong của Ngân hàng Quốc gia Campuchia, khách hàng của 57 ngân hàng Campuchia khi đến Việt Nam có thể quét mã QR tại các điểm chấp nhận thanh toán của các ngân hàng triển khai dịch vụ. Hiện nay, BIDV và TPBank là hai ngân hàng đầu tiên chấp nhận thanh toán từ tài khoản tiền Riel Campuchia (KHR) của khách hàng.
Ngược lại, du khách Việt Nam khi sang Campuchia cũng có thể sử dụng ứng dụng di động của các ngân hàng BIDV, Sacombank và TPBank để thực hiện thanh toán quét mã QR tại khoảng 1,8 triệu điểm chấp nhận thanh toán ở Campuchia. Khi sử dụng dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR, du khách hai nước sẽ được hưởng tỷ giá chuyển đổi ưu đãi thay vì chuyển đổi sang ngoại tệ thứ ba.
Đại diện NAPAS cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục hợp tác với phía Campuchia, Lào để mở rộng các ngân hàng Việt Nam tham gia triển khai dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của du khách các nước. Như vậy, chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á, NAPAS đã triển khai hợp tác thanh toán ngoài vùng lãnh thổ với 3 đối tác quan trọng gồm Thái Lan, Lào và Campuchia.
Lợi ích thanh toán xuyên biên giới
Theo các ngân hàng, lợi ích lớn nhất của kênh thanh toán mới này là tạo thuận lợi cho khách hàng khi đi du lịch và công tác ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Trung Quốc. Như vậy, người Việt thanh toán trên điện thoại thông minh ở nước ngoài sẽ tiện lợi hơn so với trả tiền mặt, không lo bị mất thẻ hay giảm thiểu rủi ro gian lận giao dịch khi thực hiện thanh toán.
Thanh toán xuyên biên giới giúp giảm chi phí chuyển đổi ngoại tệ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp (ảnh minh hoạ).
Ông Phan Việt Hải, Phó Tổng Giám đốc BVBank cho biết: “Trước đây, khách có nhu cầu đi du lịch hoặc công tác tại Thái Lan phải tìm cách mua, đổi ngoại tệ thì giờ đây chỉ cần có tài khoản ngân hàng và điện thoại thông minh có cài đặt sẵn ngân hàng số Digimi sẽ thanh toán dễ dàng”.
Không chỉ thế, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế – tài chính, việc đẩy mạnh thanh toán xuyên biên giới còn giúp các ngành bán lẻ được hưởng lợi trong bối cảnh chi tiêu của người tiêu dùng dự kiến sẽ tăng, từ đó có thể thúc đẩy ngành du lịch.
Báo cáo từ Ngân hàng Phát triển châu Á cho thấy, hơn 90% doanh nghiệp ở Đông Nam Á, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi thanh toán xuyên biên giới có thể tránh được các chi phí liên quan đến việc duy trì hệ thống điểm bán hàng thực tế hoặc trả phí trao đổi cho các công ty thẻ.
Do vậy, kết nối khu vực được coi là rất quan trọng để giảm sự phụ thuộc của khu vực vào các loại tiền tệ bên ngoài cho các giao dịch xuyên biên giới, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp. Như vậy, tiền có thể được gửi từ ví kỹ thuật số này sang ví kỹ thuật số khác. Những ví kỹ thuật số này hoạt động hiệu quả như tài khoản ngân hàng nhưng chúng cũng có thể được liên kết với tài khoản tại các tổ chức tài chính chính thức.
Theo ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc NAPAS, trong thời gian tới, NHNN sẽ mở rộng mạng lưới thanh toán xuyên biên giới tại nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN. Hiện NHNN đang xúc tiến với các thành viên và các nước trong khu vực ASEAN để thực hiện lộ trình này. Sáng kiến này được đánh giá là một bước tiến lớn trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của khu vực ASEAN, phù hợp với xu hướng đẩy mạnh kết nối thanh toán xuyên biên giới.
Hiện nay, NHNN đang giữ vai trò đồng chủ trì Nhóm công tác về Hệ thống Thanh toán khu vực ASEAN (WC-PSS) giai đoạn 2022 – 2024 cùng với Ngân hàng trung ương Thái Lan. Hiệp hội Ngân hàng ASEAN (ABA) cũng đang xây dựng tài liệu về các tiêu chuẩn kết nối QR và các thực tiễn hiện nay nhằm cung cấp một khuôn khổ hướng dẫn kết nối QR giữa hai quốc gia trong khu vực. Tài liệu được xây dựng trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm từ quá trình kết nối QR song phương trong khu vực ASEAN.
Về kế hoạch tổng thể cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 (AEC 2025), WC-PSS đã xác định một trong các biện pháp để thực hiện mục tiêu về một nền kinh tế hội nhập cao và gắn kết là tăng cường các hệ thống thanh, quyết toán thông qua thúc đẩy tiêu chuẩn hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán cho các hoạt động thương mại, chuyển tiền và thanh toán bán lẻ xuyên biên giới để tạo môi trường thúc đẩy các liên kết khu vực và hệ thống thanh toán an toàn, hiệu quả, cạnh tranh.
Cũng theo NAPAS, tới nay đã có 9 liên kết trong lĩnh vực thanh toán song phương sử dụng mã QR giữa các quốc gia ASEAN đang hoạt động và 10 liên kết đang được phát triển. Đối với lĩnh vực chuyển tiền, đã có 3 liên kết đi vào hoạt động và 5 liên kết đang được thiết lập.