Để khôi phục lại các diện tích chuối đã bị hỏng, chị Ly Sín Phổng ở thôn Nậm Tang, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng đã tự đi mua giống về trồng. Tuy nhiên, cây chuối vẫn bị nhiễm bệnh và chết dần. Chị Phổng đành chuyển sang trồng ngô để gỡ lại một phần tổn thất.
Chị Phổng cho biết: “Cây chuối bị vàng lá rồi chết dần. Tôi đã bón mấy lần phân, tưởng được thu hoạch nhưng tự nhiên chuối chết hết. Để đất không thấy phí nên tôi trồng ngô. Tôi cũng muốn trồng chuối không có bệnh để làm ăn phát triển hơn”.
Chị Ly Sín Phổng phải trồng ngô thay thế diện tích chuối chết do bệnh vàng lá Panama.
Liền kế vườn nhà chị Phổng là diện tích chuối của gia đình anh Vàng Si Vảng, trồng giống chuối kháng bệnh vàng lá Panama. Mặc dù trồng trên diện tích chuối đã từng bị nhiễm bệnh trước đó, nhưng vườn chuối của gia đình anh vẫn phát triển tốt, sau 10 tháng đã bắt đầu cho buồng, có cây đã đủ tiêu chuẩn để thu hoạch.
Anh Vàng Si Vảng, ở thôn Nậm Tang, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng cho biết: “Trồng 10 tháng mất 0,3% thì tỷ lệ này không đáng kể. Trồng được giống chuối kháng bệnh vàng lá Panama, tôi rất phấn khởi. Thương lái vào mua chọn buồng, họ trả 400.000 đồng/buồng nhưng tôi không đồng ý vì họ toàn chọn buồng to. Tôi bán theo cân, 18.000 đồng/kg”.
Ông Nùng Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng cho biết thêm: “Các hộ trong thôn Nậm Tang có nhu cầu đăng ký trồng, nhưng họ vẫn đang lo đầu ra. Chúng tôi đã tuyên truyền, chia sẻ với bà con là phải dám làm, dám thực hiện thì mới thành công được”.
Vườn trồng chuối kháng bệnh vàng lá Panama của anh Vảng sinh trưởng và phát triển tốt.
Mô hình trồng chuối kháng bệnh vàng lá Panama được Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương thực hiện tại 4 hộ của huyện Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng và Bảo Yên. Các hộ được hỗ trợ 300 cây chuối giống, trồng trên chính diện tích chuối đã bị nhiễm bệnh. Đánh giá sau 10 tháng canh tác, ngoài mô hình tại huyện Bảo Yên bị hư hỏng do thiên tai, mô hình chuối ở huyện Bát Xát và Bảo Thắng đều phát triển tốt, tại huyện Mường Khương chậm hơn do gặp hạn. Đáng chú ý, tỷ lệ chuối nhiễm bệnh chỉ chiếm 1%, là điều kiện để nông dân có thể mở rộng diện tích trong những năm tới.
Ông Phạm Quốc Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai cho biết thêm: “Chúng tôi đã hợp tác với Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai sẽ là địa phương nhân giống và phân phối trên địa bàn tỉnh. Ngoài sinh trưởng, phát triển tốt thì về hình thức quả, buồng, nải đều đẹp, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, đặc biệt đối với thị trường trong nước thì rất là tốt”.
Khảo nghiệm thành công giống chuối kháng bệnh vàng lá Panama, kết hợp với đàm phán để tới đây, Lào Cai có được bản quyền nuôi cấy mô và sản xuất giống chuối này, thì mục tiêu ổn định khoảng 3.500 ha chuối hàng hóa vào năm 2025 mà Nghị quyết 10 đặt ra là có thể thực hiện được. Đây cũng là cơ hội để nông dân làm giàu từ cây trồng chủ lực của tỉnh.
Ngọc Hà – Nông Quý