Thăm hang Thẻ, nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng
Những ngày đầu thu, khi lúa trên các tràn ruộng bậc thang đang dần ngả sang sắc vàng miên man khắp một vùng Tây Bắc và tiết trời cũng trở nên dịu mát hơn, chúng tôi về xã Xuân Thượng (huyện Bảo Yên). Trong ngôi nhà nhỏ dưới đỉnh núi cao sừng sững ở bản Thâu 1, cụ Đặng Thị Đường, dân tộc Dao, 92 tuổi xúc động xem lại chiếc thẻ Đảng viên của người chồng quá cố là cụ Bàn Văn Chướng (sinh năm 1926), cán bộ cách mạng, một trong những đảng viên đầu tiên của xã Xuân Thượng. Cụ Chướng nguyên là Chủ tịch Ủy ban Hành chính (nay là UBND) xã Dân Chủ năm 1954, nay là xã Xuân Thượng.
Tuy tuổi đã cao nhưng cụ Đường vẫn còn minh mẫn và kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm của những năm tháng cách đây hơn 7 thập niên. Vào đầu những năm 1944, 1945, vùng đất Xuân Thượng thuộc xã Vị Thượng, châu Lục Yên, tỉnh Yên Bái vẫn còn hoang sơ, vắng vẻ. Dưới chế độ cai trị, bóc lột của thực dân Pháp, đời sống Nhân dân vô cùng khổ cực, nhưng đồng bào vẫn không làm tay sai cho giặc, góp thóc, gạo phục vụ cán bộ cách mạng hoạt động bí mật.
Chỉ lên đỉnh núi cao phía sau nhà, cụ Đặng Thị Đường nhớ lại: Ngày đó, muốn di chuyển từ Xuân Thượng về Yên Bái vô cùng nguy hiểm vì lính Pháp chốt chặn nhiều nơi. Để tránh sự phát hiện của kẻ thù, một số cán bộ ta phải vượt sông, luồn rừng qua bản Thâu sang xã Việt Tiến và xã Minh Chuẩn (Lục Yên). Chồng tôi thường bí mật đón cán bộ ở nhà rồi nhanh chóng đưa lên hang động trên đỉnh núi cao để họp bàn công việc. Tôi là người duy nhất mang thóc, gạo lên hang núi nấu cơm cho chồng và cán bộ.
Ông Lý Minh Giầu, sinh năm 1952, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thượng kể: Tôi cũng đã từng nghe các cụ kể lại chuyện các cán bộ bí mật họp trên hang núi bản Thâu 1, bàn kế hoạch đánh Pháp, đuổi Nhật, lật đổ chế độ phong kiến, thực dân để giành chính quyền năm 1945. Đến năm 1946, hang động bí mật này cũng là nơi được cán bộ chọn tổ chức Tổng tuyển cử đầu tiên cùng cả nước bầu ra Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau này, hang núi là nơi bà con sơ tán lên tránh bom đạn của kẻ thù. Để đảm bảo bí mật nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, ai có thẻ mới được lên núi, vào hang. Vì thế, người dân còn gọi là hang Thẻ, nay được đặt tên mới là động Tiên Cảnh.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Lương Văn Soái, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thượng cho biết: Hơn 7 thập niên qua, đồng bào các dân tộc xã Xuân Thượng luôn tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông, đặc biệt là di tích hang Thẻ (động Tiên cảnh) là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những thắng lợi sau này của quân và dân ta. Tháng 10/2019, động Tiên Cảnh được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích danh lam, thắng cảnh cấp tỉnh, được đầu tư hàng tỷ đồng làm tuyến đường lên cửa hang và hệ thống điện trong hang, giúp người dân và du khách đến tham quan thuận lợi.
Ký ức những ngày Cách mạng tháng Tám ở Võ Lao
Từ lâu, vùng đất Võ Lao trù phú với cánh đồng lúa rộng mênh mông đã trở thành “vựa lúa” lớn nhất tỉnh. Giờ đây, trung tâm Võ Lao đã trở thành thị tứ đông vui, nhộn nhịp, bản làng khởi sắc từ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cũng ở vùng đất này, ngược thời gian trở lại thời điểm trước ngày Nhật đảo chính Pháp năm 1945, đời sống đồng bào các dân tộc Võ Lao khổ cực trăm bề. Thực dân Pháp dựng lên bộ máy chính quyền cùng những tên tay sai đắc lực như Nguyễn Văn Hỷ (tức Chánh Hỷ) làm Chánh tổng, Phạm Văn Dường (tức Bang Dường) làm Bang tá cai quản vùng đất Võ Lao. Dưới chế độ thực dân, phong kiến, người dân phải chịu tô cao, thuế nặng, bị bóc lột đến cùng cực. Gia đình nào có 1 mẫu ruộng trở lên, 1 sào thổ trạch (thổ cư) và 1 suất đinh thì 1 năm phải nộp 10,1 đồng bạc trắng, tương đương 3 con trâu cày kéo. Nhà nào có trâu mỗi năm phải nộp 3 – 3,6 đồng bạc trắng/con trâu. Nhà nào có con dâu lấy chồng chưa có giấy giá thú, đàn bà chửa hoang, có người chết đều phải nộp thịt lợn, rượu, bạc trắng cho bọn cường hào, ác bá ở địa phương.
Năm 1945, khi cao trào chống Nhật có chiều hướng đi lên, đồng bào các dân tộc đã nổi dậy phá kho thóc của Nhật ở Võ Lao, Khánh Yên Thượng, Bảo Hà… lấy được hàng trăm tấn thóc chia cho dân nghèo. Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền được thành lập nhưng còn non trẻ, quân Tưởng Giới Thạch tràn vào giải giáp vũ khí quân Nhật nhưng thực chất âm mưu lập nên chính quyền cai trị mới và gia tăng bóc lột Nhân dân, bắt 63 thanh niên xã Võ Lao đi lính, lấy của dân hơn 100 tấn thóc, 58 con trâu…
Thời điểm này, Việt Minh đưa lực lượng vũ trang lên Lào Cai, Văn Bàn gây dựng phong trào đấu tranh cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, Nhân dân một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, đứng lên đấu tranh giải phóng quê hương. Đầu tháng Tám năm 1946, chính quyền Quốc dân Đảng bị xóa bỏ, Ủy ban kháng chiến huyện Văn Bàn và một số xã, trong đó có xã Võ Lao chính thức được thành lập, mở đầu cho một giai đoạn mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng.
Cụ Nguyễn Lê Đôn, 90 tuổi là người dân tộc Tày, sinh ra tại xã Võ Lao, nay đã 65 năm tuổi Đảng. Cụ Đôn đi bộ đội từ năm 1952, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới năm 1979, cụ kể: Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi mới 11 tuổi. Anh trai tôi là Nguyễn Văn Lị có kể lại chuyện bí mật tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm cho cán bộ cách mạng trong rừng. Khi Nhật đầu hàng đồng minh, anh trai được theo đoàn người ra tận Phố Lu tước vũ khí quân Nhật. Trong phong trào, hoạt động cách mạng những năm 1945, 1946, ở Võ Lao có các cụ Lương Kim Chất, Nguyễn Tân Toàn, Hà Văn Hụ là những người đầu tiên được kết nạp Đảng cộng sản Việt Nam, hoạt động trong lòng địch, gây dựng cơ sở và phong trào đấu tranh cách mạng.
Đồng chí Hà Văn Thảo, Bí thư Đảng ủy xã Võ Lao cho biết: Mỗi năm, khi mùa thu đến, cán bộ, Nhân dân xã Võ Lao lại ôn lại ký ức của một thời đau thương với nhiều cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông cho nền độc lập dân tộc. Kế tục truyền thống đấu tranh cách mạng, cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc xã Võ Lao hôm nay đang nỗ lực phấn đấu, xây dựng Võ Lao trở thành xã nông thôn mới nâng cao, lá cờ đầu trong các phong trào thi đua của huyện, của tỉnh.