Với gần 200km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), kể từ khi mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc giữa 2 tỉnh Lào Cai – Vân Nam được thực hiện, đến nay, đã tạo dấu ấn trong công tác phối hợp giữa lực lượng Biên phòng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân hai bên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.
Với phương châm “Mỗi người dân là một chiến sĩ Biên phòng”, Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh triển khai hiệu quả mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Đây là sáng kiến góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết của nhân dân hai bên biên giới. Đồng thời, cũng là nguyện vọng của nhân dân các cụm dân cư hai bên biên giới, nhằm cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân. Qua đó, góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị, mở rộng giao lưu, hợp tác giữa cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân hai bên biên giới.
Ngược thời gian tròn 10 năm, ngày 17/8/2013, nhân dân thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) đã tổ chức kết nghĩa dân cư hai bên biên giới với tổ Tam Bá Bình, thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Thôn Cốc Phương có hơn 50 hộ người Mông; tổ Tam Bình Bá cũng hầu hết là đồng bào Mông sinh sống. Hai bên đều có văn hóa tương đồng, có sự gắn bó của những người cùng dân tộc, nên cư dân hai bên biên giới thường xuyên qua lại thăm thân. Đây chính là cơ sở quan trọng để Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai tham mưu cho cấp ủy, chính quyền hai bên tổ chức để hai cụm dân cư này kết nghĩa.
Tại lễ ký kết nghĩa, hai bên đã thảo luận, thống nhất, thông qua 6 nội dung phối hợp giữa thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá. Đây cũng chính là Biên bản ghi nhớ cấp thôn bản đầu tiên được hình thành trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Thực hiện chương trình kết nghĩa, hằng năm, thôn Cốc Phương của Việt Nam và tổ Tam Bình Bá của Trung Quốc đều tổ chức gặp gỡ, giao lưu, đánh giá lại kết quả phối hợp, dựa trên 6 điều ghi nhớ đã được thông qua, cùng rút kinh nghiệm, triển khai tốt hơn trong những năm tiếp theo.
Điều đặc biệt nữa là, hai bên có một cái trống chung đặt trang trọng tại trung tâm của thôn. Khi bên này có người mất, nếu trống ở bên kia thì lấy trống về đánh ở bên này. Bên kia cần dùng thì trống lại đem sang bên kia. Chiếc trống bịt da trâu cỡ lớn là biểu tượng linh thiêng, không thể thiếu trong hoạt động tín ngưỡng của đồng bào Mông.
Là cặp địa phương đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc triển khai mô hình kết nghĩa bản – bản, cấp ủy, chính quyền và nhân dân hai thôn đã chủ động trao đổi, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản. Vào các ngày lễ, Tết, ngày trọng đại của hai nước, bà con nhân dân hai thôn đều tổ chức sang thăm hỏi, chúc mừng và giao lưu văn nghệ, thể thao để tăng cường tình đoàn kết. Đặc biệt là chủ động giúp nhau trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
Trước đây, đầu ra cho các loại nông sản trồng ở thôn Cốc Phương khá bấp bênh. Nhưng từ khi có chương trình kết nghĩa bản – bản hai bên biên giới, nhiều tiểu thương bên nước bạn đã sang thu mua các mặt hàng nông sản như chuối, dứa… tại thôn Cốc Phương, giúp bà con yên tâm, chủ động phát triển sản xuất. Đặc biệt, anh em, bạn bè hai bên đã giúp nhau về phân bón, kỹ thuật nên sản phẩm đạt tiêu chuẩn, giá bán cao hơn.
Các thương lái ở tổ Tam Bình Bá còn giới thiệu cho thương lái ở nơi khác tiêu thụ chuối, dứa cho bà con thôn Cốc Phương. Nhờ vậy, thôn Cốc Phương đã trở thành điểm sáng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ trồng chuối, dứa… Vùng đất Bản Lầu cũng trở thành địa phương đi đầu trong việc đưa cây ăn quả chủ lực như chuối, dứa “lên ngôi”. Diện tích trồng dứa, chuối lên đến hàng nghìn héc ta, với tổng thu nhập mỗi năm hơn 60 tỷ đồng.
Cùng với phát triển kinh tế, quần chúng nhân dân hai bên biên giới còn tích cực cung cấp các nguồn tin có giá trị, đóng góp vào những chiến công của BĐBP trong các chuyên án, vụ án, triệt phát thành công các loại tội phạm trên tuyến biên giới (buôn lậu, buôn bán ma túy, mua bán người qua biên giới…). Nhân dân hai bên biên giới kết nghĩa đã tích cực tham gia cùng lực lượng bảo vệ biên giới mỗi bên tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, cùng giải quyết các vụ việc xảy ra thấu tình đạt lý, đúng hiệp định, quy chế biên giới và quy định pháp luật của mỗi nước.
Đến nay, mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới đã được triển khai thành công tại 6 cặp thôn, bản thuộc huyện Mường Khương, Bát Xát (tỉnh Lào Cai, Việt Nam) với huyện Hà Khẩu và Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Tuy mô hình được triển khai ở cấp thôn, nhưng đã mang lại lợi ích to lớn, góp phần quan trọng vào việc vun đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia, làm trong sáng, sâu sắc thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai bên biên giới, hiện thực hóa chủ trương đẩy mạnh ngoại giao nhân dân của hai Đảng và hai Nhà nước trong giai đoạn phát triển mới.
Theo Đại tá Nguyễn Trọng Ngữ, Chính ủy BĐBP Lào Cai, hiệu quả từ mô hình kết nghĩa dân cư hai bên biên giới đã tăng cường tình đoàn kết láng giềng, hữu nghị, giúp nhau cùng phát triển theo đúng quan điểm, chủ trương của hai Đảng, hai Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Việc triển khai thực hiện hiệu quả mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với nước láng giềng theo chủ trương, đường lối đối ngoại rộng mở của Ðảng, Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; đồng thời, xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống hai bên biên giới ngày càng bền chặt.