Nhà báo La Văn Tuất năm nay 65 tuổi, trước khi nghỉ hưu năm 2019 anh có nhiều năm công tác tại Báo Lào Cai, giữ chức vụ Phó Trưởng Phòng Xây dựng Đảng – Nội chính.
Nhà báo La Văn Tuất kể về nguồn gốc bài viết, đó là khoảng tháng 4/2014, dịp hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2014), khi dự đưa tin tại hội nghị tỉnh Lào Cai tổ chức gặp mặt hàng trăm cựu chiến binh, chiến sĩ Điện Biên, phóng viên đã gặp, trò chuyện, cảm phục trước tấm gương cụ Bế Văn Sâm, người được Bác Hồ trực tiếp cài Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Phủ lên ngực áo.
Sau hội nghị, nhà báo La Văn Tuất đã tìm tới nơi cụ Bế Văn Sâm ở tại thôn Chiềng On (nay là tổ 14) phường Bình Minh, thành phố Lào Cai để trò chuyện thêm, tìm hiểu những năm tháng cụ tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ và lần vinh dự được về Hà Nội gặp Bác Hồ và được vị Chủ tịch kính yêu tặng và cài Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Phủ lên ngực áo. Ngưỡng mộ trước tấm gương chiến sĩ Điện Biên năm xưa, nhà báo La Văn Tuất với bút danh Sỹ Anh đã viết bài “Bảo vật” của chiến sĩ Điện Biên Phủ, bài viết đăng tải trên Báo Lào Cai và bản tin Người làm báo Lào Cai của Hội Nhà báo tỉnh.
Cụ Bế Văn Sâm nhớ lại, khi đó cụ và người thân đã rất tự hào trước bài viết của nhà báo La Văn Tuất. Theo cụ Sâm, đây cũng là bài viết đầu tiên về mình có hồn, giàu cảm xúc, chân thực, đầy đủ thông tin. Bản tin Người làm báo Lào Cai có khổ nhỏ gọn hơn Báo Lào Cai, lại in màu trên giấy cút-sê, bài viết 2 trang bản tin vừa vặn với một cỡ chung của khung bằng khen nên cụ Sâm đã tách riêng bài viết đưa vào khung để treo tường.
Trong suốt 10 năm qua, mỗi vị khách tới thăm nhà cụ Bế Văn Sâm đều dành thời gian ngắm nghía, đọc bài “Bảo vật” của chiến sĩ Điện Biên Phủ, trong đó có đầy đủ thông tin, là bản tuyên dương về chiến sĩ Điện Biên Bế Văn Sâm đi cùng năm tháng.
“Mình quý bài báo hơn rất nhiều món quà được tặng, vì chỉ có bài báo mới nói lên sự thật, mới lưu giữ lâu, truyền tụng xa như thế”, cụ Sâm tâm sự.
Sau 10 năm, cuộc hội ngộ giữa chiến sĩ Điện Biên và nhà báo La Văn Tuất cũng tại nhà riêng của cụ Sâm diễn ra xúc động với những cái tay bắt, mặt mừng. Điều khiến tác giả bài viết mừng nhất là sau 10 năm, ở tuổi 89, nhân vật Bế Văn Sâm vẫn giữ sức khỏe như ngày nào, vẫn minh mẫn để kể vanh vách câu chuyện cách đây 70 năm ở chiến trường Điện Biên Phủ.
Điều xúc động nữa của bút danh Sỹ Anh là ngôi nhà gỗ cũ kỹ năm xưa của cụ Bế Văn Sâm nay đã được thay thế bằng ngôi nhà xây kiên cố, khang trang, trong nhà có đầy đủ tiện nghi. Chỉ tay vào bài viết treo trên tường nhà, cụ Bế Văn Sâm khen chất liệu in tốt, ảnh của cụ minh họa trong bài gần như còn nguyên màu, chữ cũng còn nguyên. Cụ bảo, trên ngực áo của mình có nhiều huân, huy chương nhưng Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Phủ mà Bác Hồ cài cho mình là “báu vật” và trong ngôi nhà, bài viết là phẩm vật quý, cụ vẫn sẽ treo ở đó nếu nó chưa bị phai mờ.
Bùi ngùi gặp lại phóng viên sau dịp đất nước vừa kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, những dòng ký ức lại ùa về từ trong sâu thẳm người chiến sĩ Điện Biên. Cụ Sâm sinh ra và lớn lên ở huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, sớm giác ngộ cách mạng, năm 13 tuổi cụ đã đi theo Việt Minh làm liên lạc trước khi được biên chế vào Trung đoàn Việt Bắc 375. Năm 1953, cụ Sâm cùng đơn vị tham gia chiến dịch Tây Bắc, đầu năm 1954 trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cụ Sâm nhớ như in nhiệm vụ của đơn vị khi đó là tấn công sân bay Mường Thanh nhằm cắt đường tiếp viện hàng không của Pháp cho các cứ điểm Điện Biên Phủ. Cụ nhớ lại, vào chiến dịch có lúc cụ làm giao liên, lúc bình thường vẫn trực tiếp tham gia cầm súng chiến đấu, cuộc chiến giằng co với địch từng tấc đất bên sân bay Mường Thanh. Cụ tâm sự: Mình chiến thắng thực dân, đế quốc hùng mạnh là nhờ tinh thần yêu nước, bộ đội ta xung trận là chỉ có tiến công, không bao giờ quản ngại hy sinh, gian khổ.
Chúng tôi chia tay cụ Bế Văn Sâm, trong lòng đọng lại nhiều cảm xúc về chiến sĩ Điện Biên, về nghề báo, về đồng nghiệp, về nhân sinh. Tự hào thay giữa lúc những truyền hình, thông tin công nghệ số ngập tràn cuộc sống thì một bài viết vẫn được treo trên tường trang trọng suốt 1 thập niên. Còn với tôi, trộm nghĩ rằng suốt cuộc đời cầm bút, mỗi phóng viên có biết bao lần được khen ngợi, tuyên dương, nhận các giải thưởng trên sân khấu nhưng để được độc giả giữ gìn bài viết một cách trân trọng là treo lên tường thì không có nhiều.
Thay cho lời kết: Tôi biết được bài viết của tác giả Sỹ Anh được treo trên tường suốt 10 năm vào tháng 4/2024, khi đến nhà cụ Sâm để hỏi chuyện, viết bài tuyên truyền về 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi tôi kể lại, nhà báo La Văn Tuất rất bất ngờ về chi tiết này và rất nôn nóng lên đường thăm lại nhân vật sau 10 năm.