Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đưa cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, hình thành vùng chuyên canh với quy mô hàng hoá, dẫn dắt nông dân thích ứng với nền kinh tế thị trường… đó là những cách làm của xã Thái Niên (Bảo Thắng) trong giải bài toán giảm nghèo cho người dân.
Có được kết quả trên là nhờ cấp ủy đảng, chính quyền xã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế, xã rà soát các cây trồng phù hợp, định hướng, tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận thực hiện. Với lợi thế giao thông thuận lợi, diện tích đất bãi ven sông Hồng lớn, màu mỡ, xã định hướng cho người dân canh tác cây rau, màu, cây ăn quả và trồng hoa.
Hộ chị Phạm Thị Tình, thôn Đo Ngoài là điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Với 3,6 sào ruộng trước đây chỉ độc canh cây lúa, được chính quyền xã tuyên truyền, vận động, gia đình chị chuyển đổi sang canh tác rau, màu.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền và các thôn, đến nay xã Thái Niên có hơn 200 hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trọng tâm là chuyển đổi đất ruộng cấy lúa sang trồng rau, màu, cây ăn quả, với tổng diện tích 186 ha. Theo người dân hoạch toán, mỗi ha trồng rau, màu cho nguồn thu từ 138 – 160 triệu đồng. Hiện vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa của xã đã hình thành với hơn 25 ha rau, màu; 37 ha chè; 184 ha cây ăn quả (bưởi Múc, na).
Với diện tích đất đồi, Thái Niên định hướng người dân phát triển cây lâm nghiệp. Hiện diện tích quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp của xã là 6.500 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên, trong đó đất có rừng đạt 5.930 ha. Trên địa bàn xã, các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản cũng phát triển mạnh (6 cơ sở), giúp việc tiêu thụ gỗ rừng trồng thuận lợi. Kinh tế từ trồng rừng, chế biến lâm sản đã góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm thường xuyên cho người lao động địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân trong xã. Những năm gần đây, diện tích rừng tại xã được duy trì và mở rộng, người dân chuyển đổi đất đồi sản xuất kém hiệu quả sang trồng rừng mang lại lợi ích lâu dài. Những diện tích rừng đến tuổi cho khai thác, sau khi thu hoạch cũng nhanh chóng được phủ xanh.
Bên cạnh đó, xã liên hệ với các ngân hàng trên địa bàn huyện làm cầu nối để các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Chính quyền xã còn chỉ đạo cán bộ chuyên môn và các tổ chức hội, đoàn thể trực tiếp hướng dẫn người dân lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế. Hằng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập.