Các đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Trọng Hài, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì phiên họp.
Tham gia phiên họp có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố.
Xuất hiện nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Lào Cai tháng 5/2024 tiếp tục ổn định, xuất hiện nhiều điểm sáng. Sản xuất nông nghiệp được duy trì, đảm bảo khung thời vụ, không có dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi.
Hoạt động kinh doanh, thương mại dịch vụ diễn ra sôi động, hàng hóa phong phú, đa dạng; giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung… Riêng giá lợn hơi tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 5 ước đạt 3.668,7 tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đạt 17.558,7 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ, bằng 45% kế hoạch.
Tháng 5, lượng hàng hóa, phương tiện xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành tăng mạnh do mặt hàng sầu riêng và hàng vải vào chính vụ. Lượng phương tiện thông quan tại cửa khẩu trung bình đạt hơn 470 xe/ngày. Tổng giá trị xuất – nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu tháng 5 ước đạt 329,66 triệu USD, tăng 8,87% so với tháng 4, tăng 89,22% so với cùng kỳ năm 2023; lũy kế ước đạt 1.151,14 triệu USD.
Tổng lượng khách đến Lào Cai tháng 5 đạt 766,6 nghìn lượt, tăng 2,9% so với tháng 4; lũy kế 5 tháng đạt 3,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch tháng 5 đạt khoảng 2.605 tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đạt 11.563 tỷ đồng, tăng 28,19 % so với cùng kỳ năm 2023…
Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn
Giá bán phân bón DAP thấp hơn, tiêu thụ chậm hơn so với tháng 4 do không cạnh tranh được giá DAP có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhà máy gang thép Lào Cai của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung vẫn dừng sản xuất từ ngày 14/5/2022… Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5/2024 ước đạt 3.726,7 tỷ đồng (tăng 4,75% so với tháng 4); lũy kế ước đạt 17.151,7 tỷ đồng, tăng 5,34% so cùng kỳ và bằng 26,1% kế hoạch năm.
Mặc dù sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đang trên đà tăng trưởng ở cả 3 lĩnh vực, đặc biệt là ngành sản xuất phân phối điện (tăng 18,45% so với tháng 4 và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023). Các dự án khai thác, tuyển, luyện đồng; sản xuất axit sunfuric, axit photphoric hoạt động ổn định, sản lượng sản xuất và tiêu thụ khá; có 2 dự án mới được khởi công… Nhu cầu mua phốt pho vàng trên thị trường thế giới đang có sự khởi sắc, giá bán các sản phẩm phốt pho vàng ổn định, hàng tồn kho không nhiều.
Tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn
Tại phiên họp, các đại biểu được nghe lãnh đạo Sở Tư pháp và lãnh đạo Sở Giao thông vận tải trình bày báo cáo chuyên đề về tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh năm 2024; các nội dung cần lưu ý khi các văn bản quy phạm pháp luật mới của Trung ương, của tỉnh ban hành hoặc chuẩn bị có hiệu lực thi hành; báo cáo chuyên đề về tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư giao thông nông thôn, tuyến tỉnh lộ; giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch trung hạn tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh…
Các đại biểu cũng thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp tháo gỡ trong triển khai giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; việc quy hoạch, hình thành mới hoặc mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tạo mặt bằng thu hút các dự án; công tác thu ngân sách; những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng: Các địa phương cần chủ động hơn trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nội dung nào không còn vướng mắc thì phải thực hiện ngay, nội dung nào còn vướng mắc thì khẩn trương tìm giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn. Đồng thời sớm rà soát và đề xuất giải pháp đối với các xã “tụt hạng” nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới…
Kết luận phiên họp, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hiện nay, khó khăn, vướng mắc chủ yếu tập trung ở cơ sở nên cần tập trung sự chỉ đạo điều hành và ưu tiên bố trí các nguồn vốn hướng về cơ sở. Trong đó các sở, ngành phải trực tiếp phối hợp với các địa phương để giải quyết khó khăn, vướng mắc; phải có giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, tính kỷ luật kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ cấp cơ sở.
Thời gian tới, Chủ tịch UBND yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện công tác quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch điểm dân cư nông thôn… Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu ngân sách; sớm hoàn thiện các thủ tục để hình thành các khu, cụm công nghiệp (trước mắt là các cụm công nghiệp thuộc huyện Bát Xát và thành phố Lào Cai); tăng cường công tác giám sát đầu tư, nhất là các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng phương án đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong đó chú trọng chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI)…
Đồng chí Trịnh Xuân Trường cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên phát triển chính quyền điện tử, cửa khẩu số; lưu ý các vấn đề xã hội quan tâm (an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống thiên tai…) với phương châm phòng là chính. Ngành giáo dục tập trung rà soát chất lượng cán bộ, viên chức, đấu thầu trang – thiết bị trường học. Các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các địa phương hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của năm 2024…