Các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Công nghiệp hỗ trợ được coi là “bệ đỡ” cho sự phát triển sản xuất công nghiệp. Chất lượng sản phẩm đầu ra cuối cùng của các sản phẩm công nghiệp phụ thuộc vào chất lượng của các sản phẩm chi tiết, linh kiện được sản xuất từ ngành công nghiệp hỗ trợ. Do vậy, nếu công nghiệp hỗ trợ kém phát triển thì các ngành công nghiệp chính sẽ thiếu sức cạnh tranh và phạm vi cũng sẽ bị giới hạn trong một số ít các ngành.
Từng bước tham gia chuỗi cung ứng
Trong 10 năm (2011 – 2020), công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Đến nay, Việt Nam đã hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động đã ngày càng hướng vào lõi công nghiệp hóa. Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Theo đánh giá, việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đã thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thông tin, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện đạt khoảng 5.000 doanh nghiệp và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hiện nay cũng đang cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường trên thế giới, như các sản phẩm dây cáp điện, hộp số, các linh kiện nhựa…, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ.
Hơn nữa, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tự ý thức được việc cải tiến, nâng cao năng lực của của mình thông qua đào tạo cho đội ngũ quản lý cũng như đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quy trình sản xuất để cải tiến quá trình sản xuất.
Theo thống kê, hiện số lượng doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia là khoảng 100 doanh nghiệp; cung ứng cấp hai, cấp ba là khoảng 700 doanh nghiệp. Trong đó, ở lĩnh vực điện tử, Samsung hiện có khoảng 50 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một và khoảng 170 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai. Ở lĩnh vực cơ khí-ôtô, hiện có khoảng 12 doanh nghiệp tham gia cung ứng cấp một cho Toyota.
Nhiều doanh nghiệp đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nhờ đẩy mạnh các giải pháp công nghệ.
Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng được cải thiện rất đáng kể trong thời gian vừa qua. Cụ thể, như trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45-50 %; các lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt 15-20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô 5-20%, riêng đối với một số sản phẩm xe như xe tải và xe khách thì tỷ lệ này nội địa hóa này cao hơn.
Thực tế cho thấy, với nhiều nỗ lực, ngành công nghiệp hỗ trợ có những đóng góp quan trọng trong sự ổn định kinh tế, xã hội, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa. Hơn nữa, khi doanh nghiệp tự sản xuất được các chi tiết, linh kiện sản phẩm sẽ giúp giảm nhập khẩu, hạn chế nhập siêu, tăng nguồn thu ngoại tệ, đồng thời, có tác động tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành sản xuất công nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa.
Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ
Trong nhiều năm qua, phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ là bài toán kinh doanh mà còn là khát vọng và lòng tự hào dân tộc để mang những sản phẩm “Made in Vietnam” ra thị trường thế giới. Điểm nhấn nổi bật là đa số các doanh nghiệp công nghiệp nói trên không chỉ dừng lại ở sản phẩm đơn giản mà đã sản xuất được những cụm chi tiết có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất đầu cuối trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản, Mỹ, châu Âu.
Ghi nhận từ Thaco Trường Hải, tỷ lệ nội địa hóa của nhiều dòng xe do đơn vị cung ứng lên tới 70%. Hay như dòng xe điện của Vinfast, tỷ lệ nội địa hóa được 60% từ khung gầm, nội thất, ngoại thất, hệ thống điện, hệ thống tự động hóa, các phần mềm nhúng ứng dụng AI…
Những điều này chứng minh năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam là hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu khắt khe từ các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, song vấn đề khó khăn chủ yếu do sản lượng đơn hàng và tính cam kết trong việc duy trì khiến nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư dây chuyền, máy móc và nguồn lực kỹ thuật để đảm bảo sản xuất và duy trì hoạt động ổn định.
Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ngành Công nghiệp Hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho rằng, về năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu nguồn vốn, công nghệ, thậm chí cần hỗ trợ cả về công tác xúc tiến thương mại, bán hàng.
Để tạo động lực cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, năm 2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ và Nghị định chính thức có hiệu lực từ 1/1/2016 (Nghị định 111). Với chính sách này, đã góp phần thúc đẩy cho công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ “cất cánh.”
Mới đây, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến với Dự thảo sửa đổi Nghị định số 111 với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất. Với khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay, Bộ Công Thương đề xuất, doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển sẽ được hưởng các ưu đãi, gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Dự thảo xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Xúc tiến thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, kết nối hỗ trợ doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ…
Doanh nghiệp dầu khí đã làm chủ được nhiều công nghệ hiện đại.
Với những thay đổi của chính sách cụ thể Nghị định 111 của Bộ Công Thương được nhiều địa phương, cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh…
“Điểm mới trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 111, đó là việc cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Về danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã bổ sung rất nhiều các sản phẩm mới phù hợp với xu thế hiện nay, hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp,”ông Phạm Tuấn Anh thông tin.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang được giao xây dựng để trình ra Quốc hội thông qua trong thời gian tới Luật Công nghiệp trọng điểm. Dự kiến, khi Luật này được thông qua và ban hành sẽ tạo động lực rất lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, việc triển khai các nội dung về phát triển công nghiệp tại Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi việc hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng một đạo luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp nền tảng nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng với các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, tín dụng, đất đai… đủ mạnh và triển khai các hoạt động hỗ trợ để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.