Với hơn 5.000 km đường biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia, nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế, điều kiện chiến lược để kỳ vọng vươn lên trở thành trung tâm giao thương trong khu vực. Tuy nhiên, đến nay kết quả thương mại vẫn chưa được như mong đợi, các địa phương cho rằng, cần phải phát triển hạ tầng tạo sức bật xuất khẩu (XK) sang thị trường “láng giềng”.
Tiềm năng lớn nhưng quy mô thương mại còn khiêm tốn
Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới đất liền sang 3 thị trường Trung Quốc, Lào và Campuchia đạt 50,38 tỷ USD, tăng 52,2% so với năm 2022, chiếm 27,68% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) song phương với 3 thị trường; kim ngạch XNK qua các cửa khẩu biên giới đất liền 2 tháng đầu năm 2024 là 8,44 tỷ USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 28,88% trong tổng kim ngạch XNK song phương với 3 thị trường.
Bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, thương mại biên giới đang đứng trước những cơ hội phát triển mới. Trong đó tuyến biên giới đất liền với hệ thống các cửa khẩu, đường giao thông, các hành lang kinh tế xuyên quốc gia, các khu hợp tác kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại tự do và khu bảo thuế đã và đang được xây dựng, nâng cấp, được đánh giá là một trong những cửa ngõ chính, quan trọng trong hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc. Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc được thành lập, tạo nên động lực lớn cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai thị trường ASEAN và Trung Quốc…
Bên cạnh những lợi thế, thương mại biên giới toàn tuyến biên giới đất liền còn nhiều khó khăn. Mặc dù cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu các tỉnh biên giới đã được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, tuy nhiên hệ thống logistics vẫn còn một số vấn đề như khó khăn trong khai thác đường sắt với Trung Quốc do chưa đồng bộ về khổ đường ray; hệ thống sông dốc, nhiều đá ngầm khi khai thác vận tải; chưa có trung tâm logictics với đầy đủ các chức năng cơ bản. Do đó, dẫn đến chi phí dịch vụ logictics còn cao, tính liên kết giữa các vùng, các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều hạn chế.
Với đối tác lớn như Trung Quốc, hàng hóa XK qua các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam – Trung Quốc chủ yếu là nông sản, trái cây; số lượng chủng loại nông sản, trái cây được XK cũng hạn chế so với tiềm năng sản xuất, chế biến nông sản, trái cây của Việt Nam. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản chưa được ký Nghị định thư về kiểm dịch nên phải kiểm tra thực tế 100% lô hàng, ảnh hưởng đến thời gian thông quan. Trên tuyến biên giới giáp Campuchia, hàng hóa XK của Việt Nam sang Campuchia có cơ cấu tương đồng với hàng hóa của Thái Lan, Trung Quốc và chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, mẫu mã và giá cả.
Theo đại diện Sở Công Thương Nghệ An, hiện nay tỉnh có khoảng gần 70 DN Nghệ An hoạt động XNK với Lào và chủ yếu hoạt động qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn với tổng kim ngạch năm 2023 đạt 100,66 triệu USD, trong đó kim ngạch XK 27,65 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu 73,01 triệu USD. Thương mại biên giới Nghệ An – Lào trong những năm qua có bước phát triển nhưng chưa xứng với tiềm năng của mỗi bên. Kim ngạch XNK đối với thị trường Lào đạt thấp (chiếm khoảng 5% trên tổng kim ngạch XK hàng hóa của tỉnh Nghệ An).
Đầu tư phát triển hạ tầng và đa dạng hoá xúc tiến thương mại
Để thúc đẩy phát triển thương mại biên giới, Sở Công Thương Nghệ An cho rằng, cần có lộ trình và tăng cường công tác đầu tư phát triển hạ tầng khu vực biên giới nhất là tại khu vưc các cửa khẩu có điều kiện phát triển để thúc đẩy thương mại biên giới Việt – Lào. Đồng thời, cụ thể hóa, đa dạng hóa hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, xúc tiến XK.
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, An Giang có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế thương mại biên giới liên vùng và liên quốc gia do nằm ở vị trí trung tâm 3 thành phố lớn (TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Phnom Pênh – Vương quốc Campuchia). Để duy trì và tiếp tục phát huy thế mạnh giao thương khu vực biên giới, tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, từng bước đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế biên giới với mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đưa An Giang trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trọng yếu của vùng và cả nước vào thị trường Campuchia và tiến tới thị trường các quốc gia ASEAN.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh cho biết, năm 2024 và những năm tiếp theo, xu hướng triển khai đẩy mạnh đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông (đặc biệt là giao thông đường sắt) nhằm kết nối liên quốc gia, liên vùng, kết nối đến hệ thống các cửa khẩu, biên giới sẽ là chủ đạo. Do vậy, Lào Cai đặt ra mục tiêu hướng đến xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành một trung tâm logistics hiện đại, đúng tầm là trung tâm kết nối giao thương, khu trung chuyển hàng hóa XNK.
Nhằm tháo gỡ nút thắt, khó khăn về chi phí vận tải hàng hóa cao làm giảm giá trị cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Lào, Thương vụ Việt Nam tại Lào kiến nghị, Chính phủ hai nước xem xét, sớm hiện thực hóa xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn và nâng cấp Quốc lộ 8 và tuyến đường sắt Vũng Áng – Viêng Chăn; có chính sách khuyến khích các DN Việt Nam đầu tư xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa tại các tỉnh, thành của Lào; thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Lào, đầu tư xây dựng chợ biên giới, trung tâm thương mại, phân phối hàng hóa, kho thương mại trong khu kinh tế cửa khẩu, khu vực cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào để cung cấp hàng hóa sang Lào. Nếu sớm xử lý được vấn đề này, kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào sẽ có sự tăng trưởng khả quan.