Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; UBND tỉnh Lào Cai vừa có văn bản số 2805/UBND-NLN ngày 31/5/2024 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường quản lý vùng trồng sắn, gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm sắn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân sản xuất sắn bền vững theo quy hoạch và định hướng của tỉnh. Tăng cường sử dụng giống mới sạch bệnh, giống có năng suất cao, chất lượng tốt đưa vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Thường xuyên kiểm tra nắm bắt thông tin, tình hình sinh trưởng phát triển của cây trồng; theo dõi tình hình thiên tai, sâu bệnh và biến động của thị trường để có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời, bảo vệ kết quả sản xuất.
Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào phục vụ sản xuất (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, để người trồng sắn được sử dụng vật tư đảm bảo chất lượng.
Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư liên kết sản xuất, thu mua và chế biến sắn cho người dân trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố
Kiểm soát chặt chẽ diện tích trồng sắn theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp tại địa phương, không để Nhân dân phát triển cây sắn theo hướng tự phát; không chặt phá rừng và các cây lâu năm khác để trồng sắn; từng bước chuyển đổi diện tích trồng sắn sang các loại cây trồng phù hợp điều kiện sản xuất tại địa phương, có thị trường tiêu thụ ổn định và giá trị kinh tế cao.
Xây dựng kế hoạch trồng sắn phù hợp, gắn với canh tác sắn theo hướng bền vững để bảo vệ đất đai, chống xói mòn. Vận động Nhân dân sử dụng các giống sắn có năng suất, tỷ lệ tinh bột và tỷ lệ chất khô cao như KM60, KM94, KM98-7… kết hợp với đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, hướng dẫn Nhân dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc như: Làm đất tối thiểu; tạo băng chắn chống xói mòn; trồng luân canh, xen các cây ngắn ngày như đậu đỗ, lạc, vừng; trồng xen sắn trong các vườn cây lâu năm/cây lâm nghiệp (nông lâm kết hợp) khi cây còn nhỏ 1 – 3 năm đầu; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra vùng nguyên liệu bền vững, góp phần ổn định thu nhập cho người dân.
Tăng cường công tác bảo vệ thực vật, nhằm phát hiện sớm và chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời đối với một số sâu bệnh thường gặp như: Bệnh chổi rồng, rệp sáp, nhện đỏ, khảm lá sắn…. Khuyến cáo Nhân dân vùng trồng sắn sử dụng giống sạch bệnh, không sử dụng các giống mẫn cảm với bệnh, không sử dụng hom sắn ở những vùng đã bị nhiễm bệnh. Đối với vùng trồng sắn bị nhiễm bệnh nặng, diện tích nhiều, địa phương cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn và tổ chức tiêu hủy kịp thời tránh lây lan diện rộng.
Tăng cường công tác quản lý, giám sát các tổ chức, cá nhân chế biến sắn trên địa bàn; Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến sắn trên địa bàn tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm, đầu tư thâm canh vùng nguyên cho người dân để nâng cao năng suất cây trồng và hiệu quả sử dụng đất, tạo thành vùng nguyên liệu ổn định, bền vững.
Các Công ty chế biến sắn trên địa bàn tỉnh
Tăng cường liên kết sản xuất với người dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kĩ thuật, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, thâm canh tăng năng suất nhằm xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững phục vụ chế biến.
Đổi mới công nghệ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đa dạng hoá các loại mặt hàng để thu hút đầu tư, thị trường tiêu thụ nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế.
Thực hiện nghiêm túc các cam kết về bảo vệ môi trường, khẩn trương khắc phục các sự cố gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận hành các nhà máy chế biến.