Lào Cai là tỉnh miền núi, vì vậy, từ rất lâu, việc hình thành, xây dựng các ao, hồ tích nước phục vụ sản xuất nông, lâm và công nghiệp được tỉnh đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, ao, hồ còn giúp giảm ngập úng và góp phần tạo cảnh quan, điều hòa không khí. Tuy nhiên, thời gian qua, trước sức ép của tiến trình phát triển đô thị, nên tình trạng nhiều ao, hồ bị xâm lấn, san lấp, sử dụng sai mục đích diễn ra khá phổ biến.
Xã Phú Nhuận có lượng ao, hồ khá lớn của huyện Bảo Thắng. Tuy nhiên, thời gian qua, một số ao, hồ của địa phương này bị người dân xâm lấn, chiếm dụng, ảnh hưởng đến diện tích cũng như hiệu quả tưới tiêu của các hồ thủy lợi. Có mặt tại hồ thủy lợi Phú Nhuận (hồ do Chi cục Thủy lợi tỉnh quản lý), thuộc địa phận thôn Nhuần 2, phóng viên ghi nhận một số khu vực lòng hồ bị người dân xâm lấn, như san đất trồng cây, dựng chuồng trại trên lòng hồ, trên mặt đập phụ, có đơn vị còn dựng cột điện và trạm biến áp trong vùng phụ cận lòng hồ.
Theo bà Hoàng Thị Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận, xã có 2 hồ thủy lợi lớn là hồ Phú Nhuận và hồ Hải Sơn, phục vụ tưới tiêu cho trên 80% diện tích cây nông nghiệp của xã. Tuy nhiên, các hồ có diện tích lớn, nằm trải rộng ở một số thôn nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng một số hộ cố tình san lấp lòng hồ để trồng cây, làm chuồng trại chăn nuôi… UBND xã sẽ tổ chức rà soát, thống kê những hộ vi phạm để có biện pháp xử lý.
Tại xã Võ Lao (Văn Bàn), tình trạng xâm lấn cũng xảy ra ở một số ao, hồ như Leo Liềng, Văn Thủy, Nà Đí, Là 1… Theo đại diện UBND xã, nguyên nhân khiến công tác quản lý, bảo vệ các ao, hồ thời gian qua chưa được thực hiện hiệu quả là do việc phân cấp quản lý còn bất cập, chưa rõ trách nhiệm giữa UBND xã, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong tổ chức quản lý, vận hành. Cùng với đó, ý thức bảo vệ ao, hồ công cộng của người dân chưa cao nên một số hồ bị xâm chiếm hoặc xả rác thải gây ô nhiễm.
Năm 2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3683 về danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh. Theo quyết định này, UBND tỉnh phê duyệt và công bố 152 hồ, ao, đầm không được san lấp để phòng, chống ngập, úng; cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt và bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trong đó huyện Mường Khương có 18 hồ, 2 ao; huyện Bát Xát có 3 hồ; huyện Bắc Hà có 3 hồ, 2 ao; huyện Si Ma Cai có 5 hồ, 2 ao; huyện Bảo Thắng có 43 hồ, 13 ao; huyện Bảo Yên có 19 hồ, 8 ao; huyện Văn Bàn có 19 hồ, 1 đầm; thành phố Lào Cai có 12 hồ; thị xã Sa Pa có 2 hồ.
Tại văn bản này, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thông báo cho các địa phương, đơn vị liên quan về danh mục các hồ, ao, đầm không được san lấp; hướng dẫn quản lý hồ, ao, đầm theo quy định; thanh tra, kiểm tra, xử lý những sai phạm theo quy định của pháp luật…
Căn cứ pháp luật đã có, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân, việc triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ ao, hồ, đầm của các địa phương và ngành có liên quan lại chưa hiệu quả.
Theo kết quả kiểm tra, rà soát của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vào cuối năm 2023 đối với 63 hồ trên địa bàn tỉnh, cả 63 hồ chứa chưa được cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, bảo vệ hồ, chưa được kiểm định lần đầu; chỉ có 38/63 hồ có hồ sơ lưu trữ quy trình vận hành, bảo trì, còn lại 25 hồ không có hồ sơ; có 20/63 hồ chứa chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa để hoạt động an toàn.
Thực tế khảo sát của phóng viên tại một số địa phương trong tỉnh cho thấy, hầu hết các ao, hồ do chính quyền địa phương quản lý nằm trong quy hoạch bảo vệ đang diễn ra tình trạng bị xâm lấn sử dụng chưa đúng quy định hoặc bị xả rác gây ô nhiễm. Hệ lụy của tình trạng trên gây nên ngập úng, ô nhiễm môi trường, nguồn nước sinh hoạt ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống, có nơi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp từ việc san lấp, lấn chiếm ao, hồ.
Thời gian tới, để bảo vệ hệ thống ao, hồ, đầm trong quy hoạch, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành tài nguyên và môi trường cùng chính quyền các địa phương cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa, quyết liệt trong xử lý vi phạm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ ao, hồ; chủ động tháo dỡ, di chuyển công trình, cây trồng trả lại hành lang ao, hồ, đập. Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm đầu tư cải tạo các ao, hồ, đầm để tạo cảnh quan môi trường và chống lấn chiếm.