Gia đình bà Hoàng Thị Lan ở xã Cam Đường (thành phố Lào Cai) nuôi chó khoảng 10 năm nay. Hiện gia đình có 10 con chó (gồm chó cảnh và chó ta). Được chính quyền địa phương tuyên truyền, gia đình bà luôn có ý thức tiêm phòng định kỳ để phòng, chống dịch bệnh cho chó.
Bà Lan cho biết: Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó nuôi tại gia đình rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình và những người xung quanh.
Thành phố Lào Cai có tổng đàn chó hơn 3.000 con, trong đó trên 60% là chó cảnh. Để nâng cao hiệu quả phòng bệnh dại, Trạm Thú y thành phố tăng cường tuyên truyền để người dân biết về mức độ nguy hiểm của bệnh dại; các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; biện pháp phòng, chống bệnh dại và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại.
Ông Nguyễn Đình Tâm, Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố Lào Cai cho biết: Đơn vị chỉ đạo thú y viên các xã, phường phối hợp với các thôn, tổ dân phố rà soát số lượng đàn chó, mèo của từng hộ để dự phòng đủ vắc-xin. Khi có lịch tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo, cán bộ sẽ thông báo, tuyên truyền đến từng hộ. Nhờ đó, kết quả tiêm phòng luôn đạt tỷ lệ cao.
Huyện Si Ma Cai có tổng đàn chó hơn 4.000 con. Do đặc thù về địa hình, giao thông khó khăn, các thôn cách xa nhau, trong khi lực lượng cán bộ thú y mỏng nên công tác phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo tại địa phương gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Trọng Khánh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Si Ma Cai cho biết: Công tác phòng, chống bệnh dại tại địa phương gặp nhiều khó khăn do số lượng lớn vật nuôi thả rông. Khắc phục tình trạng trên, huyện tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo các địa phương thống kê số lượng vật nuôi trong diện phải tiêm; thành lập tổ lưu động, tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh dại tại các chợ phiên trên địa bàn…
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện chó, mèo bị bệnh dại. Tuy nhiên, năm 2023 đã có 15 trường hợp chó bị mắc bệnh dại ở 11 xã của 6 huyện, thành phố, nguy cơ tái phát dịch bệnh luôn thường trực. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại, hiệu quả của việc tiêm phòng vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo; kịp thời tiêm nhắc vắc-xin dại hằng năm cho đàn chó, mèo nuôi để tạo miễn dịch liên tục, hạn chế nguy cơ dịch dại trên động vật lan rộng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo.
Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hằng năm, chi cục phối hợp với ngành y tế tổ chức giám sát, đánh giá, cảnh báo nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại; thành lập các tổ công tác đôn đốc, hướng dẫn phòng, chống bệnh dại tại các địa phương có nguy cơ cao; tổ chức tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng tại các khu vực vùng cao đạt trên 80% tổng đàn, khu vực vùng thấp đạt trên 85% tổng đàn (tại thời điểm tiêm phòng).
Để bệnh dại không còn là nỗi lo, bên cạnh trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng, người dân cần chấp hành nghiêm quy định về nuôi chó, mèo…