Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng – Thủy văn Lào Cai, trong năm 2024, thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường, cực đoan với tần suất và cường độ ngày càng nghiêm trọng. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị số 42 ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Phòng thủ dân sự; Nghị định số 66 ngày 6/7/2021 của Chính phủ; Nghị định số 30 ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Nghị quyết số 76 ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; Nghị định số 78 ngày 1/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai; các kế hoạch, chiến lược, chương trình tổng thể, văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo về công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định Luật Phòng, chống thiên tai; ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai; chỉ đạo cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, phát triển sản xuất nông nghiệp, điều chỉnh mùa vụ thích ứng với thời tiết của từng địa phương; tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư mới, nâng cấp, tu bổ các công trình thủy lợi, kè chống sạt lở, hồ, đập, mương, nước sạch, hệ thống cảnh báo sớm thiên tai…
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng chi viện, hỗ trợ các địa phương về lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo lực lượng quân đội là lực lượng nòng cốt; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện, diễn tập phòng, chống mưa, lũ, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ lồng ghép với huấn luyện quân sự – quốc phòng.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, nhất là khu vực biên giới, cửa khẩu…
Công an tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực bị thiên tai.
Đài Khí tượng – Thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; cập nhật, xử lý, truyền tải kịp thời thông tin về diễn biến thời tiết, khí hậu; dự báo sớm diễn biến thời tiết, khí hậu, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm.
Sở Công Thương chỉ đạo vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện đúng quy định; kiểm soát an toàn hồ, đập thủy điện, bảo đảm an toàn công trình, vùng hạ du trong mùa mưa, lũ; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch khai thác, vận chuyển, dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu; điều tiết hàng hóa để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị quỹ đất để di chuyển, sắp xếp dân cư ra khỏi khu vực thiên tai nguy hiểm phù hợp với Quy hoạch của tỉnh Lào Cai tại Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 29/3/2023; chủ động chuẩn bị quỹ đất để thực hiện các dự án phòng, chống thiên tai…
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh lập kế hoạch đảm bảo giao thông thông suốt cho người, phương tiện khi xảy ra sự cố, thiên tai; quản lý chặt chẽ các hoạt động, phương tiện vận tải, nhất là các phương tiện vận tải khách, đảm bảo an toàn giao thông trước, trong khi thiên tai xảy ra; chuẩn bị đầy đủ vật tư, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, khắc phục sự cố, thiên tai, đặc biệt các tuyến đường trọng điểm, xung yếu…
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư thi công đúng tiêu chuẩn, chất lượng công trình, tránh mất an toàn khi thiên tai xảy ra; chủ động triển khai khắc phục nhanh tình trạng ngập úng, nhất là ngập úng khu đô thị…
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng và chỉ đạo cấp xã kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai; thường xuyên rà soát, đánh giá mức độ nguy cơ rủi ro thiên tai để có phương án di dời dân cư kịp thời ra khỏi khu vực thiên tai nguy hiểm.
Tăng cường kiểm tra, đánh giá, quản lý việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, khu hầm lò khai thác mỏ, khu dân cư, khu vực ven sông, suối; kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ an toàn hồ, đập; ngăn chặn các hoạt động làm gia tăng rủi ro thiên tai.
Chỉ đạo các hộ gia đình chủ động sửa chữa, gia cố nhà ở để tăng khả năng chống chịu với thiên tai; tuyên truyền, vận động người dân chuẩn bị tốt phương châm “4 tại chỗ”; chủ động khắc phục hậu quả, thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phòng ngừa, ứng phó với sự cố, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; chỉ đạo, theo dõi, trực tiếp xuống các địa phương kiểm tra, đôn đốc; đề xuất kịp thời với UBND tỉnh các biện pháp phòng, chống thiên tai nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra…
Xem chi tiết Chỉ thị tại đây.