Thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã tập trung thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo giá trị của công viên địa chất. Tỉnh triển khai nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả, nâng cao nhận thức của cộng đồng bảo vệ các giá trị di sản công viên địa chất. Nổi bật như đưa chủ đề “Tìm hiểu các giá trị di sản, bảo vệ di sản” vào các tiết học ngoại khóa tại các trường học.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền tại các thôn, bản vùng sâu, vùng biên giới thông qua các hình ảnh, tờ rơi về bảo vệ di sản bằng tiếng địa phương cho người dân dễ tiếp cận. Tổ chức phát động các cuộc thi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật, liên hoan, hội diễn sân khấu hóa nhằm tuyên truyền và tôn vinh giá trị di sản.
Công tác bảo tồn, tôn tạo các giá trị di sản được chú trọng. Đã tổ chức phục dựng, bảo tồn các lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, như: Lễ hội Nàng Hai (gọi trăng) dân tộc Tày, xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh; lễ mừng thọ dân tộc Nùng, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ; lễ hội múa kiếm dân tộc Giáy, xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc.
Tiến hành khảo sát, sưu tầm, phục dựng các di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng các làng văn hóa du lịch gắn với bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống. Hoạt động bảo tồn các giá trị di sản địa chất, địa mạo được quan tâm.
Các giá trị di sản đang được tỉnh khai thác có hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Nổi bật là lĩnh vực du lịch, hiện Cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, nhóm chuyên gia tư vấn của UNESCO và các đại biểu cũng đã thảo luận, nêu rõ một số bất cập, tồn tại cần được tỉnh Hà Giang giải quyết.
Các ý kiến cho rằng, Cao nguyên đá Đồng Văn bước đầu thành công trong phát triển du lịch, thu hút du khách nhưng đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng đó là sự đe dọa từ hoạt động khai thác đá bất hợp pháp; các công trình xây dựng trái phép, không đúng quy hoạch; kiến trúc nhà truyền thống bị mai một, làm mất đi sức hấp dẫn của các điểm di sản và cảnh quan.
Do đó, trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm, hỗ trợ công tác khoanh vùng bảo tồn mới. Ban hành các quyết định để bảo đảm cho công tác bảo tồn phù hợp về mặt pháp lý. Thiết lập hệ thống phản ứng nhanh tại các địa phương để tiếp nhận thông tin và can thiệp ngay từ đầu đối với các hành vi vi phạm công tác bảo tồn.
Tỉnh cũng cần cần hoàn thiện các quy định, chính sách hỗ trợ về xây dựng trong vùng công viên địa chất, bảo đảm bảo tồn kiến trúc truyền thống, hài hòa với cảnh quan. Quan tâm bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể thông qua việc xác định rõ các giá trị văn hóa của từng dân tộc để triển khai công tác bảo tồn, gắn với đó là tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Một vấn đề được các chuyên gia và các đại biểu quan tâm đó là bộ máy Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, trực thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang.
Theo phân tích của nhóm chuyên gia, hiện nay, công tác quản lý công viên địa chất đang đối diện với sự gia tăng nhanh chóng và mở rộng các hoạt động kinh tế, xã hội trong vùng. Ban quản lý đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc phản ứng kịp thời đối với những hành vi xâm hại di sản. Nổi bật như vụ nhà hàng Panorama ảnh hưởng đến danh thắng Mã Pí Lèng; dự án thang máy tại di tích Đồn Cao, thị trấn Đồng Văn; các hoạt động khai thác đá trái phép; các công trình xây dựng trái phép phá hủy cảnh quan…
Thực trạng đáng tiếc này cho thấy sự quản lý, điều phối kém của các nhóm công tác của ban quản lý tại địa phương khi không thông báo kịp thời cho Ban quản lý các vấn đề nổi cộm. Mặt khác, điều này cho thấy mối quan hệ không chặt chẽ giữa Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh với Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Do đó, theo nhóm chuyên gia, tỉnh Hà Giang cần thực hiện tất cả các quyết định cần thiết, bao gồm cả việc xây dựng lại bộ máy ban quản lý, hiệu quả nhất là thành lập Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang và do lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban nhằm có được sự thông suốt trong công tác chỉ đạo quản lý và giải quyết những vấn đề phát sinh.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cảm ơn và tiếp thu các ý của chuyên gia mạng lưới, mong muốn các chuyên gia tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tỉnh trong các vấn đề chuyên môn, kỹ thuật, đối ngoại với mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO để thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản công viên địa chất.
Tỉnh Hà Giang cam kết sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện các tư vấn hợp lý để bảo đảm công viên địa chất phát triển bền vững, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của thành viên mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang cũng yêu cầu các sở, ngành của tỉnh nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các ý kiến tham luận để tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai nhiệm vụ có hiệu quả trong giai đoạn 2023 – 2027.
Đối với các huyện vùng công viên địa chất, phải chủ động hơn nữa trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản. Tăng cường kiểm tra, rà soát, ngăn chặn, tránh để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật xâm hại đến di sản.