Thu nhập là tiêu chí quan trọng, giữ vai trò “đòn bẩy”, tạo động lực thực hiện, nâng cao các tiêu chí khác trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Do đó, xã Tân An (huyện Văn Bàn) đang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân.
Năm 2011, xã Tân An triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với điểm xuất phát thấp, mới đạt 4/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân chỉ đạt 13 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp với quy mô nhỏ lẻ.
Được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành cùng sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, xã Tân An đã đạt 19/19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Diện mạo nông thôn của xã ngày càng khởi sắc, thu nhập bình quân năm 2020 đạt hơn 36 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,25%.
Ông Cầm Tiến Đông, Quyền Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết: Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã đã và đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp, quyết tâm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó tập trung duy trì và nâng cao tiêu chí thu nhập.
Xã đã tuyên truyền, khuyến khích người dân chủ động đưa các loại giống cây, con mới vào sản xuất; phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, tiện lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm; vận động người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng trang trại, gia trại có sự liên kết trong bao tiêu sản phẩm. Từ năm 2020 đến nay, việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp của xã có chuyển biến tích cực: Người dân chủ động đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như cây phật thủ, ổi, quế và mở rộng diện tích trồng hồng không hạt.
Phát huy lợi thế đất đồi, Tân An chọn phát triển lâm nghiệp là chủ lực trong phát triển kinh tế tại địa phương. Chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng sắn sang trồng rừng. Hiện xã có gần 2.000 ha rừng sản xuất, chủ yếu là quế, bồ đề, trẩu. Nhiều gia đình có 5 – 10 ha rừng và có thu nhập cao từ trồng rừng như: Gia đình ông Tạ Đình Hải (thôn Xuân Sang) trồng 11,4 ha cây sưa đỏ, tiền bán cây giống thu về hàng trăm triệu đồng/năm; gia đình ông Lý Văn Đăng (thôn Khe Bàn) trồng 5,2 ha cây bồ đề; gia đình ông Triệu Tiến Vạn (thôn Khe Bàn) trồng 5 ha quế… Trên địa bàn xã có 1 cơ sở chế biến tinh dầu quế và gần chục cơ sở chế biến lâm sản, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ gỗ của người dân.
Ông Triệu Tiến Vạn (thôn Khe Bàn) cho biết: Trước đây, 5 ha đất nương đồi của gia đình chủ yếu trồng sắn nhưng lâu ngày đất bị rửa trôi, bạc màu, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Khi được chính quyền định hướng, tuyên truyền, gia đình chuyển sang trồng rừng kinh tế. Hiện mỗi năm gia đình thu từ tỉa cây, cành, lá quế được hơn 20 triệu đồng/ha. Chỉ vài năm nữa, khi quế đến tuổi thu hoạch vỏ, ước tính nguồn thu khoảng 1 – 2 tỷ đồng.
Xã cũng tuyên truyền, vận động người dân đưa những loại cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Bà Hoàng Thị Hải Yến ở thôn Tân An 1 cho biết: “Được cán bộ xã vận động, tuyên truyền về chuyển đổi sản xuất, nâng cao thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, tôi đã chuyển hơn 1 ha đất trồng ngô sang trồng cây phật thủ. Trung bình mỗi năm vườn phật thủ cho thu hoạch hơn 10.000 quả, đem về cho gia đình hơn 200 triệu đồng”.
Được cán bộ xã hướng dẫn, bà Yến cùng các hộ trồng phật thủ trong xã đã thành lập tổ sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện xã có hơn 3 ha trồng cây phật thủ đem lại nguồn thu ổn định cho hàng chục hộ dân.
Trên địa bàn xã đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng sản xuất cây ăn quả (hồng không hạt) với tổng diện tích 90 ha tại các thôn Tân An 1, Tân An 2; vùng trồng phật thủ 3 ha tại thôn Tân An 1; trồng rừng sản xuất tại các thôn Khe Bàn, Xuân Sang, Mai Hồng 1, Mai Hồng 2, Mai Hồng 3, Khe Quạt…; kinh doanh thương mại, dịch vụ và nghề đan hàng mã tại các thôn Tân An 1, Tân An 2, Xuân Sang…