Đây là chuyên đề hoạt động mới được bổ sung trong chương trình Giáo dục di sản “Em tìm hiểu di sản” do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), hoạt động giáo di sản với chuyên đề “Lễ chào cờ lịch sử” không chỉ nhằm tái hiện lại không khí của buổi chào cờ lịch sử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại quảng trường sân Đoan Môn (di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long) mà còn nhằm giáo dục thế hệ trẻ nhớ về quá khứ, tự hào về những trang vàng lịch sử dân tộc, từ đó thêm gắng sức cống hiến cho tương lai.
Buổi lễ chào cờ diễn ra tại sân Đoan Môn có sự tham gia của Hội Cựu chiến binh quận Ba Đình, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Ba Đình cùng học sinh đến từ các trường: Tiểu học Văn Chương; Tiểu học Phan Chu Trinh; Tiểu học, THCS &THPT Ngôi Sao Hà Nội – Hoàng Mai; THCS Nguyễn Tri Phương; THPT Phan Huy Chú – Đống Đa và Đại học Thủ đô Hà Nội.
Lễ chào cờ diễn ra trang trọng, các đoàn đại biểu và học sinh diễu qua qua quảng trường và tập kết trước sân Đoan Môn để làm lễ chào cờ.
Tham gia lễ chào cờ tại Hoàng thành Thăng Long – nơi trước kia đã diễn ra lễ chào cờ lịch sử, em Bùi Linh Ngân, lớp 12Đ3 Trường THPT Phan Huy Chú xúc động: “Đứng dưới lá cờ Tổ quốc, em vô cùng tự hào và xúc động khi được ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc. Buổi chào cờ có ý nghĩa rất lớn, giáo dục thế hệ trẻ luôn biết ơn những hy sinh của các thế hệ đi trước để giành độc lập cho ngày hôm nay. Đây là hoạt động giáo dục di sản rất thú vị, hấp dẫn để học sinh thêm hiểu và yêu lịch sử nước nhà”.
Còn với em Vương Hải An, lớp 4A, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, buổi lễ chào cờ tại Hoàng thành Thăng Long mang đến cho em cảm xúc đặc biệt.
“Khi hướng mắt nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay ở Cột cờ Hà Nội, em như được trở lại những trang sách lịch sử mà thầy cô giáo đã giảng dạy ở trường. Em rất tự hào khi được có mặt tại buổi lễ chào cờ ý nghĩa này”, Vương Hải An bày tỏ.
Hiện nay, trong các trường học, giờ chào cờ đầu tuần đối với giáo viên và học sinh là một hoạt động có ý nghĩa cao đẹp. Đây là một nghi thức trang trọng thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và sự biết ơn đối với các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Bên cạnh đó, giờ chào cờ còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, giúp học sinh biết đoàn kết, chia sẻ, học tập “gương người tốt – việc tốt” để tiếp thu điều hay lẽ phải, rèn luyện kỹ năng sống, phát triển năng lực và bồi đắp những phẩm chất tốt.
Sau cuộc trường chinh 9 năm cả nước kháng chiến gian khổ, nhưng vô cùng vinh quang, Hà Nội đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Geneve ngày 20/7/1954, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
6h ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn ca khúc khải hoàn tiến về Hà Nội.
15h ngày 10/10/1954, còi trên nóc Nhà hát thành phố nổi lên một hồi dài. Hàng trăm nghìn người dân Thủ đô Hà Nội trang nghiêm dự lễ chào cờ long trọng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức tại sân vận động Cột Cờ, với sự tham gia của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố.
Sau 9 năm, lá cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được kéo lên tại Cột cờ Hà Nội. Cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.
1