Tại kỳ họp 16, HĐND tỉnh khóa XVI đã thông qua Nghị quyết thành lập Sở Xây dựng trên cơ sở chia tách chức năng quản lý nhà nước về xây dựng từ Sở Giao thông vận tải – Xây dựng và Nghị quyết kiện toàn Sở Giao thông vận tải – Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải. Ngay sau khi nghị quyết được thông qua, Sở Giao thông vận tải – Xây dựng đã tích cực thực hiện các bước chuẩn bị về tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất để các đơn vị chuyên môn ổn định hoạt động từ 1/1/2024.
Vì sao phải chia tách?
Năm 2018, Sở Giao thông vận tải – Xây dựng được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng. Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải – Xây dựng, qua hơn 5 năm hợp nhất đã đem lại hiệu quả nhất định, góp phần tinh gọn bộ máy, giảm 1 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, tiết kiệm được biên chế, tinh gọn tổ chức bên trong, sắp xếp lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động phù hợp; tiết kiệm được chi thường xuyên, rút ngắn thời gian trong công tác phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành giao thông vận tải – xây dựng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình hợp nhất Sở Giao thông vận tải – Xây dựng cũng có những hạn chế. Mô hình hoạt động của Sở Giao thông vận tải – Xây dựng tỉnh Lào Cai là duy nhất trên cả nước và chưa có tiền lệ. Sau 5 năm hoạt động vẫn chưa được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ. Các nghị định, thông tư mang tính chất chuyên ngành cũng không quy định trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải – Xây dựng nên rất dễ sai sót trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Sở Giao thông vận tải – Xây dựng đặt dưới sự chỉ đạo điều hành của 2 bộ (Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng); có 2 hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành và phần báo cáo phải báo cáo chung cả 2 nhiệm vụ của 2 bộ; có những văn bản cần quy định và hướng dẫn chung của ngành thì phải chờ sau khi 2 bộ ban hành văn bản mới được hướng dẫn thực hiện, do đó làm chậm tiến độ thời gian thực hiện.
Số lượng lãnh đạo, quản lý cấp sở giảm và trên thực tế chức năng, nhiệm vụ thì khối lượng công việc chuyên môn của Sở Giao thông vận tải – Xây dựng lớn, áp lực về tiến độ ngày càng cao, gây khó khăn trong việc điều hành, tổ chức thực hiện và dẫn đến một số công việc tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chậm, việc bố trí đi kiểm tra cơ sở, đi thực địa, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác chuyên môn của các phòng, ban, đơn vị cũng phần nào hạn chế.
Ngoài ra, chức năng, nhiệm vụ của 2 sở chỉ tương đồng ở một số lĩnh vực. Một số vị trí việc làm phải sắp xếp người có chuyên môn chưa phù hợp đảm nhiệm do cắt giảm phòng, ban nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công tác tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở đánh giá tổng kết sau hơn 5 năm thực hiện mô hình thí điểm và Kết luận số 684 ngày 23/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc kết thúc mô hình thí điểm hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải – Xây dựng thì cần thiết tổ chức lại Sở Giao thông vận tải – Xây dựng để thành lập Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng.
Đảm bảo ổn định tổ chức, bộ máy
Theo nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua, 2 sở sẽ đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2024.
Theo đó, Sở Xây dựng sẽ có 6 phòng, 1 chi cục, 3 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở và 1 đơn vị sự nghiệp công lập ủy quyền cho sở quản lý, trong đó có một số điều chỉnh đáng chú ý là Phòng Phát triển đô thị và Hạ tầng kỹ thuật được thành lập trên cơ sở giữ nguyên từ Phòng Phát triển đô thị và Hạ tầng kỹ thuật của Sở Giao thông vận tải – Xây dựng chuyển sang (được bổ sung nhiệm vụ quản lý chi phí các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật từ Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng). Phòng Quản lý xây dựng được thành lập trên cơ sở giữ nguyên từ Phòng Quản lý xây dựng của Sở Giao thông vận tải – Xây dựng chuyển sang; tiếp nhận thêm nhiệm vụ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng từ Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng của Sở Giao thông vận tải – Xây dựng chuyển sang. Giải thể Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng của Sở Giao thông vận tải – Xây dựng và chuyển chức năng, nhiệm vụ của phòng sang 2 phòng chuyên môn thuộc Sở Xây dựng (Phòng Quản lý xây dựng; Phòng Phát triển đô thị và Hạ tầng kỹ thuật) và Chi cục Giám định xây dựng (tinh giản bộ máy bên trong, giảm đầu mối phòng chuyên môn đảm bảo thực hiện theo Nghị quyết 18-NQ/TW).
Đối với Sở Giao thông vận tải có 5 phòng, 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, 1 đơn vị sự nghiệp công lập ủy quyền cho sở quản lý và 2 đơn vị trực thuộc phòng, giảm 1 phòng so với trước khi sáp nhập. Trong đó, có một số điều chỉnh như Phòng Kế hoạch và Quản lý chất lượng được thành lập trên cơ sở của Phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Giao thông vận tải – Xây dựng. Khi đổi tên phòng được bổ sung các nhiệm vụ: Thẩm định dự án và thiết kế các công trình giao thông chuyển từ Phòng Quản lý Giao thông của Sở Giao thông vận tải – Xây dựng; quản lý chất lượng công trình giao thông do Chi cục Giám định xây dựng của Sở Giao thông vận tải – Xây dựng đang thực hiện chuyển sang; chuyển nhiệm vụ kế toán về cho Văn phòng sở thực hiện. Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng được thành lập trên cơ sở của Phòng Quản lý giao thông, Sở Giao thông vận tải – Xây dựng chuyển sang và chuyển nhiệm vụ thẩm định dự án, thiết kế các công trình giao thông của phòng sang Phòng Kế hoạch và Quản lý chất lượng.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải – Xây dựng, việc thành lập 2 sở không làm tăng biên chế; cơ cấu tổ chức, bộ máy bên trong phòng, chi cục, đơn vị trực thuộc được sắp xếp phù hợp theo hướng chuyên sâu theo từng lĩnh vực, giảm tải khối lượng công việc, biên chế được bố trí hợp lý và phù hợp với năng lực chuyên môn, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả tham mưu theo lĩnh vực ngành.
Để ổn định tổ chức, bộ máy, tâm lý làm việc cho cán bộ, trong đề án chia tách, chúng tôi ưu tiên giữ nguyên cán bộ, công chức ở bộ phận chuyên môn nào thì vẫn phụ trách nhiệm vụ chuyên môn đó.
Về trụ sở, khi chia tách thành 2 sở, UBND tỉnh sẽ bố trí 2 sở tiếp tục sử dụng nguyên trạng trụ sở làm việc của Sở Giao thông vận tải – Xây dựng (tại trụ sở khối 7). Về trang – thiết bị làm việc, chuyển nguyên trạng toàn bộ tài sản hiện có của Sở Giao thông vận tải – Xây dựng trước khi chia tách cho 2 sở mới.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải – Xây dựng cho biết: Sau 5 năm sáp nhập, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cùng nhau gắn bó, làm việc “chung một mái nhà” nên khi chia tách cũng có chút tâm tư, xao động. Để ổn định tổ chức, bộ máy, tâm lý làm việc cho cán bộ, trong đề án chia tách, chúng tôi ưu tiên giữ nguyên cán bộ, công chức ở bộ phận chuyên môn nào thì vẫn phụ trách nhiệm vụ chuyên môn đó, những bộ phận nào thuộc nhiệm vụ chuyên môn thuộc ngành xây dựng thì chia tách về Sở Xây dựng, cán bộ thuộc nhiệm vụ chuyên môn ngành giao thông – vận tải thì chia tách về Sở Giao thông vận tải.
“Các nhiệm vụ chuyên ngành, thủ tục hành chính do các phòng, ban chuyên môn thuộc lĩnh vực nào sẽ vẫn thuộc các bộ phận đó tham mưu, giải quyết, không để gián đoạn hoặc phiền hà đến người dân và doanh nghiệp” – ông Nguyễn Quốc Huy nhấn mạnh.