Niên vụ quýt 2023, nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số ở các địa phương trong huyện Mường Khương được mùa quýt. Người trồng quýt phấn khởi thu hoạch quả chín trong niềm vui được mùa, được giá. Vài năm trở lại đây, quýt đã trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của vùng cao Mường Khương, được người nông dân chọn hướng canh tác nông nghiệp an toàn, vì thế, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn.
Từ trồng quýt, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên Mường Khương đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Cây quýt bén rễ đồng đất Mường Khương đã hơn 20 năm, từ vài trăm gốc quýt ban đầu, đến nay, nhiều gia đình đã có hàng chục nghìn gốc quýt. Đất không phụ công người, nhờ năng động và dám nghĩ, dám làm, chăm chỉ chăm sóc, những đồi quýt ở Mường Khương cứ thế mang về cho người dân vùng cao những mùa quả ngọt.
Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Toàn huyện Mường Khương hiện có 815ha quýt, trong đó, diện tích cho thu hoạch năm nay là 491ha, được trồng tập trung tại các xã Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ, Pha Long, Lùng Khấu Nhin và thị trấn Mường Khương. Hiện tại, có khoảng 1.500 hộ dân tại các xã trên địa bàn huyện tham gia trồng quýt, bình quân 1ha quýt mang lại cho người nông dân nguồn thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm.
Quýt Mường Khương chín rải vụ, chín bói từ tháng 9 và thu hái các giống quýt khác đến tháng 12, chia ra thành các loại quýt chín sớm, quýt chính vụ và quýt chín muộn. Mường Khương cũng đã khuyến khích nông dân mở rộng vùng trồng quýt gắn với phát triển loại hình trải nghiệm du lịch vườn quýt. Do đó, thông thường hằng năm, thời điểm tháng 11, quýt chín rộ, dịp cuối tuần, rất nhiều vườn quýt ở Mường Khương đã đón các đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm chụp ảnh và hái quýt, mua quýt về làm quà.
Hiện tại, huyện Mường Khương đã có 212ha quýt được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều năm qua, nhiều hộ nông dân ở Mường Khương đã được ngành nông nghiệp hướng dẫn, tập huấn thực hành canh tác quýt theo phương pháp hữu cơ chuẩn VietGAP, không dùng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật hay các sản phẩm kích thích tăng trưởng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, để áp dụng quy trình sản xuất quýt theo tiêu chuẩn VietGAP được thuận lợi, vào những thời điểm quan trọng của mùa quýt, người dân nơi đây phải sử dụng các kỹ thuật từ cắt tỉa cành, làm cỏ, chăm sóc quả tỉ mỉ cũng như luôn thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất nhằm bảo vệ thương hiệu quýt sạch Mường Khương. Với sự chăm sóc tỉ mỉ của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với khí hậu, thiên nhiên ưu đãi, quýt Mường Khương hiện đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý; cũng là sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm 3 sao OCOP cấp tỉnh.
Bên cạnh cây quýt chín sớm và chính vụ, Mường Khương cũng đang phát triển thêm cây quýt chín muộn, thu hoạch từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau, trùng vào dịp Tết Nguyên đán nên du khách có thể thỏa thích đến tham quan và trải nghiệm hái quả trong một khoảng thời gian dài. Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, huyện Mường Khương cũng đã tổ chức lễ hội quýt tại Mường Khương (năm 2017) kết hợp thu hút khách du lịch và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản, đồng thời tích cực tham gia các hội chợ nông nghiệp trong và ngoài tỉnh để có thể đưa sản vật của địa phương đến gần với du khách.
Năm 2020, huyện Mường Khương đã đưa sản phẩm quýt ngọt Mường Khương giới thiệu và quảng bá tại Hà Nội tại “Tuần lễ quýt Mường Khương và các sản phẩm nông nghiệp Lào Cai” để quảng bá, giới thiệu sản phẩm quýt Mường Khương đến với người dân Hà Nội, du khách trong và ngoài nước, liên kết tiêu thụ sản phẩm quýt Mường Khương, giúp các hộ đồng bào thiểu số tham gia trồng quýt yên tâm về đầu ra sản phẩm. Cùng với đó, huyện Mường Khương cũng đã kết nối để sản phẩm quýt Mường Khương lên sàn thương mại điện tử, đến với người tiêu dùng trong cả nước.
Cũng theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, cây quýt được xác định là một trong những cây trồng có thế mạnh của nông nghiệp địa phương. Thời gian qua, huyện Mường Khương đã xây dựng các mô hình trồng quýt gắn với phát triển du lịch và một số mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái khác như mô hình hồng giòn (100ha), mô hình trồng hoa cánh bướm, hoa sen bách nhật cho du khách trải nghiệm…
Đến Mường Khương vào thời điểm này, những triền đồi canh tác của đồng bào Mông, Bố Y, Pa Dí, Tu Dí… như được nhuộm một màu vàng rực bởi những chùm quýt vào vụ chín, sai lúc lỉu. Sắp tới, huyện Mường Khương sẽ phối hợp với Sở Công thương tỉnh Lào Cai tổ chức “Tuần lễ quảng bá thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai tại huyện Mường Khương năm 2023”, trong đó, sản phẩm quýt chính vụ Mường Khương sẽ được trưng bày, giới thiệu và liên kết tiêu thụ tại sự kiện này.